Hiu hắt thị trường hàng dành cho… cõi âm

(PLVN) - Với suy nghĩ, “trần sao âm vậy”, các nơi sản xuất vàng mã “bắt trend” đã sản xuất đủ loại kiểu dáng, sắc màu khẩu trang bằng giấy kèm “combo” bình xịt rửa tay giấy, kính chắn giọt bắn, máy thở ô xy, quần áo bảo hộ và những “đồ hiệu” âm phủ xa xỉ khác dành cho người quá cố trong rằm tháng 7. Tuy nhiên, vì dịch bệnh căng thẳng, nhiều tỉnh, thành giãn cách, kinh tế khó khăn, thị trường hàng dành cho cõi âm hiu hắt chưa từng có.
Vàng mã ế ẩm dịp rằm tháng 7.

Đồ bảo hộ, khẩu trang vàng mã … “đóng băng”

Nếu như năm trước, ngay những ngày đầu tháng 7 âm lịch, trên các đường phố đã xuất hiện nhiều gánh hàng rong bán quần áo, mũ mão thần linh. Con phố Hàng Mã, Lương Văn Can… oằn mình chứa bao thứ hàng mã. Ngoài bán trực tiếp, các cửa hàng vàng mã chủ yếu đóng hàng, gọi xe ôm ship hàng tới những địa chỉ đặt hàng.

Tuy nhiên, rằm tháng 7 năm nay đúng vào lúc Hà Nội giãn cách, vàng mã không phải là mặt hàng thiết yếu, các cửa hàng vàng mã ở tuyến phố cổ đóng cửa im lìm. Bà Nguyễn M. (phố Hàng Mã, Hà Nội) nén tiếng thở dài: “Mọi năm, mỗi dịp rằm tháng 7, chúng tôi bán rất đắt hàng. Bán buôn, bán lẻ không ngơi tay. Năm trước còn nhúc nhắc ship hàng được 70% đơn đặt hàng online so với số lượng cửa hàng bán ra. Nhưng mùa Vu lan năm nay đúng ngày giãn cách, chúng tôi đều cửa đóng, then cài. Hàng hóa chất đầy nhà, hy vọng sang năm bán vậy”. Tâm trạng của bà M. cũng là nỗi lòng chung của những người bán hàng tại phố Hàng Mã.

Khác với không khí tấp nập xe lớn, xe nhỏ nối đuôi nhau vào làng Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) những năm trước, mùa Vu lan năm nay khung cảnh ảm đạm, đìu hiu, vắng lặng.

Làng Đông Hồ được coi là “thủ phủ vàng mã” lớn nhất miền Bắc. Cứ vào trung tuần tháng 6 mọi năm, cả làng rộn ràng cắt dán sản xuất đủ các loại nhà lầu, biệt thự, xe siêu sang, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình lọc nước, bình nóng lạnh, điều hòa, bếp gas, bếp từ, máy ảnh, máy quay, quần áo, chăn màn, giày dép, túi xách... dành tặng người âm.

Theo những người dân làng Đông Hồ, có những người còn đặt cả siêu xe, thậm chí du thuyền, máy bay loại lớn có giá từ 1,5 triệu - 4 triệu đồng tùy vào kích cỡ và sự cầu kỳ của xe. Các mặt hàng này chủ yếu bán buôn tới các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ…

Năm nay, dịch bệnh căng thẳng, khách đến làng Đông Hồ thưa thớt. Chỉ vào kho hàng cao tới tận trần, anh Nguyễn Đức. T - người có 4 đời làm vàng mã tại làng Đông Hồ buồn bã: “Cách đây 2 tháng, có một số người ở Hà Nội đặt làm xe máy, ô tô… và đặc biệt các mặt hàng phòng chống Covid như: khẩu trang, kính chống giọt bắn, sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, máy thở ô xy... với số lượng lớn. Nhưng gần tới ngày Vu lan, Hà Nội giãn cách, họ không thể đến lấy, mà chúng tôi cũng khó có thể ship hàng. Hàng tồn lại chất đống, chúng tôi buồn quá!”.

Chị Hoàng Ngân (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay: “Năm nay là năm giỗ đầu mẹ tôi đúng dịp lễ Vu Lan. Tôi định sắm đồ vàng mã gồm: Nhà 5 tầng, xe ô tô, điện thoại thông minh, trang sức, quần áo. Và dĩ nhiên là không thiếu khẩu trang, nước xịt khuẩn, máy thở… để đốt cho mẹ. Ở dưới đó, mẹ tôi có cái mà dùng. Nhưng giờ đang giãn cách, tôi chẳng thể mua cho mẹ, đành thắp hương cỗ chay và hoa quả”.

Theo ước tính của những người bán vàng mã, sức mua các mặt hàng này năm nay giảm mạnh, giảm tới 80-90%. Ngoài việc giãn cách xã hội, nguyên nhân khiến sức mua vàng mã “hạ nhiệt” là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập giảm sút nên người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu.

Chị Bích Vân, 35 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: “Vì dịch bệnh nên kinh tế khó khăn, ít việc, cơ quan vợ chồng chúng tôi cho nghỉ làm luân phiên và cắt giảm lương tới 40%. Nhà vẫn phải đi thuê, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt với 4 miệng ăn khiến chúng tôi rất áp lực. Rằm tháng 7 năm trước, tôi còn mua nhiều đồ vàng mã để đốt gửi ông bà, tổ tiên. Nhưng năm nay, tôi cắt giảm chi tiêu, chỉ mua hoa quả thắp hương. Trước cúng, sau cả nhà thụ lộc, ăn hoa quả tăng cường sức đề kháng”.

Một lý do khác khiến các nhà sản xuất, buôn bán vàng mã thất thu, đó là rất nhiều người dân thay đổi suy nghĩ, quan niệm về đốt vàng mã. Bà Thu Nga, 60 tuổi (Đồng Sâm, Thái Bình) tâm sự: “Tôi đi quy, theo Phật. Tôi hiểu đốt vàng mã là sự lãng phí tiền của và ảnh hưởng tới môi trường. Vậy nên, tôi đã khuyên các con tôi không nên mua vàng mã để đốt. Tiền đó mình tích cóp ủng hộ một số hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống”.

Tiền vàng, khẩu trang... ế ẩm.

Những chùa, đền, phủ nói không với vàng mã!

Những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều về vấn nạn này. Tệ đốt vàng mã đã gây ra sự lãng phí lớn về mặt kinh tế cho xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Nếu chỉ tính trung bình mỗi gia đình đốt 50 nghìn đồng tiền vàng mã, với 22 triệu gia đình thì chỉ một mùa lễ Vu lan, nước ta đốt khoảng 1.100 tỷ đồng. Một món tiền quá lớn đối với một nước nghèo như ta.

Con số thống kê về những thiệt hại không chỉ về vật chất mà cả tinh thần do hành vi rải, đốt vàng mã đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với người dân. Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM, riêng năm 2017 trên địa bàn thành phố có gần 10 vụ cháy do đốt vàng mã gây ra, làm chết 20 người và nhiều người bị thương.

Năm 2018, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Hơn chục năm gần đây, một số đền, phủ, chùa đã đi đầu việc không đốt vàng mã. Ví như chùa Liên Hoa, tại quận 11, TP HCM, năm 1998 ra thông báo các phật tử khi đến chùa cúng vong linh xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa. Lò hóa vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế. Ngay trong năm 1998, nhà chùa đã góp được 300 phần quà thiện nguyện từ số tiền không đốt vàng mã. Mỗi năm, số tiền đóng góp từ việc không đốt vàng mã của các phật tử, khách hành hương tại đây từ 2-3 tỷ đồng.

Tại Quảng Ninh, không chỉ Yên Tử, chùa Ba Vàng mà tại chùa Lôi Âm, đền Cửa Ông… người dân cũng không còn mặn mà với tục đốt vàng mã. Các lò đốt vàng mã “nguội lạnh” hơn rất nhiều.

Ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích phủ Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Trong khi Chính phủ đang kêu gọi toàn dân tiết kiệm, chỉ vì mê tín dị đoan, người dân lại dang tay đốt số tiền hàng trăm tỉ đồng - số tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Với số ấy, chúng ta có thể xây thêm nhiều trường học, nhiều mái nhà cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay những trẻ em lang thang cơ nhỡ, lo thuốc men cho trẻ tàn tật…”.

Từ nhiều năm nay, Ban Quản lý phủ Tây Hồ nghiêm cấm đốt vàng mã. Mỗi khách thập phương chỉ được thắp một nén nhang và hạn chế lễ tiền vàng. Từ việc làm thiết thực đó, phủ Tây Hồ luôn đi đầu việc tiết kiệm và chống mê tín dị đoan. Đặc biệt, mỗi năm, phủ Tây Hồ đã dành một số tiền để hỗ trợ người nghèo, nhân dân trong vùng thiên tai, bão lụt, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam…

Nếu các chùa, đền, phủ, đình, miếu… ở 63 tỉnh, thành trong cả nước đều thực hiện được điều này sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng. Từ đó tiếp tục tạo sức lan tỏa đối với người dân tại các gia đình Việt.

Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên từng nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng. Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu”.

Đọc thêm