Hồ Chí Minh và tư tưởng “Dĩ công vi thượng”

(PLVN) -  “Dĩ công vi thượng” tức là đặt việc công lên trên hết, lúc nào, ở đâu cũng tận tụy, đau đáu với vận mệnh đất nước, hạnh phúc của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu cho sự hi sinh cá nhân, đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc cao hơn hết thảy...
Hồ Chí Minh và tư tưởng “Dĩ công vi thượng”

“Vì nước quên nhà, vì công quên tư”

Trong bức thư trả lời ông Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu là cậu và dượng của Người năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích về việc Người chưa về thăm quê: “Tôi chưa về thăm quê được, không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang dày xéo trên đất nước ta, phận sự của mọi người Việt Nam là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Là một người đầy tớ chung của đồng bào, tôi càng phải như thế. Vì vậy, tôi chưa kịp viết thư hoặc về thăm”.

Năm 1950, khi chiến dịch Biên giới bước vào giai đoạn quyết định, anh cả của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời, Người cũng đã không thể về chịu tang vì đang bận công tác xa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV bức điện số 1229, nhờ chuyển cho họ Nguyễn Sinh làng Kim Liên, với nội dung: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hi sinh tình nhà vì phải lo việc nước (9-11-1950)”.

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và có 24 năm làm Chủ tịch nước, thế nhưng trên ngực áo Người không một tấm huân chương. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn tột bậc” là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm và trung thành của Bác Hồ trong cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc đã viết rằng, rồi lịch sử sẽ còn phải mất rất nhiều giấy mực để giải mã về sự trùng hợp giữa Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh.

Đó là hai nhân vật toàn tài sống cách nhau 5 thế kỉ nhưng họ lại có những điểm trùng hợp rất lạ lùng. Nguyễn Trãi với “Phúc chu thủy tín dân do thuỷ” (Lật thuyền mới rõ dân như nước”, với “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, với “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”…

Còn Hồ Chí Minh là “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Đó là tư tưởng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Đó là lời căn dặn thiết tha: “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh” và “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”, “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”…

Suốt đời phấn đấu làm theo lời Bác

“Dĩ công vi thượng” nên trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra mục tiêu là phải tập hợp tất cả các giai cấp, tầng lớp. Chỉ cần họ “chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít nhất cũng làm cho họ đứng trung lập” và chỉ đánh đổ bộ phận nào “đã ra mặt phản cách mạng”.

“Dĩ công vi thượng” nên khi Người về nước lãnh đạo cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh đã chủ trương đường lối quy tụ tất cả các giới đồng bào vì mục tiêu chung là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Chính đường lối tập hợp đoàn kết rộng rãi của Mặt trận Việt Minh mà năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có hơn 5 nghìn đảng viên nhưng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại.

“Dĩ công vi thượng” nên để đoàn kết dân tộc, vua Bảo Đại thoái vị vẫn được mời làm Cố vấn Tối cao của Chính phủ, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Trước đó, khi cách mạng Pháp nổ ra, vua Luis XVI và hoàng hậu bị đưa lên đoạn đầu đài, cách mạng Nga, cả gia đình Sa hoàng bị giết…

Tiến sỹ Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong một trả lời báo chí Việt Nam gần đây đã khẳng định, sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khắc phục được những sai lầm mà Đảng Cộng sản Bolshevik mắc phải.

Theo tiến sỹ Evgeny Kobelev, có ba sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik. Một là Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này.

Hai là Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh.

Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II.

“Dĩ công vi thượng” nên để đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội khóa I dành cho Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế không thông qua bầu cử. Đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Nhân dân cao hơn hết thảy nên Hồ Chí Minh đã luôn chịu phần thiệt thòi về phía mình, thậm chí đón nhận cả hiểu lầm và phê phán gay gắt.

Để cứu vãn nền hòa bình, Người đã chấp nhận liên tục với những đại diện của Chính phủ Pháp các Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước Việt - Pháp ngày 14-9 khi những người ký bên phía Pháp là những người không tương xứng về vị trí, chức vụ…

Nhà văn Sơn Tùng, một người đã giành cả đời nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Những chuyện Bác Hồ, cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc về lời căn dặn của Bác Hồ đối với ông: “Dĩ công vi thượng”. Theo Đại tướng: “Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận ngày nay”…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể, vào một buổi mùa đông lạnh lẽo ở trong hang Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ trao cho ông nhiệm vụ tổ chức “Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.

Đêm ấy, trong một hang sâu, ông ở lại với Bác Hồ, nói chuyện đến nửa đêm bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa. Bỗng nhiên, Bác dừng lại nói một câu với ông: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng””.

Đại tướng kết luận: “Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, lời nói ấy của Bác vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận ngày nay”.

Đọc thêm