Hộ chiếu vaccine là động lực để nền kinh tế phát triển trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Trong lĩnh vực dịch vụ, biện pháp căn cơ là áp dụng hộ chiếu vaccine càng sớm càng tốt. Đây là động lực quan trọng để nền kinh tế có thể phát triển trở lại".

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 5,64 % chưa đạt như kỳ vọng nhưng so với trong khu vực thì vẫn đáng ghi nhận.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay nếu chỉ căn cứ vào con số 6 tháng đầu năm thấy có sự phân hóa lớn trong các khu vực của nền kinh tế. Trong khi khu vực kinh tế đối ngoại phục hồi mạnh mẽ, xuất khẩu tăng hơn 3% so với năm ngoái cao thì khu vực kinh tế trong nước trầm lắng. Tổng số lượng bán lẻ, doanh thu hàng hóa tiêu dùng giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ kém xa chưa bằng một nửa khu vực công nghiệp, xây dựng. Đây là tín hiệu đáng lo ngại.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường khiến các doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển, các lĩnh vực khác như du lịch, đang "chết dần chết mòn", nhiều khả năng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này không có khả năng vực dậy nếu như chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực.

Bày tỏ sự đồng tình với định hướng, quyết sách của Chính phủ trong thời gian trước hết là tiêm chủng vaccine; chuẩn bị điều kiện và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân; quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay; cắt giảm, thu hồi nơi làm chưa tốt để bổ sung cho nơi làm tốt, Chủ tịch VCCI cho rằng đây là chủ trương đúng đắn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng biện pháp căn cơ là áp dụng hộ chiếu vaccine càng sớm càng tốt. Đây là động lực quan trọng để nền kinh tế có thể phát triển trở lại.

Ông Lộc đánh giá gói hỗ trợ 26.000 tỷ được Chính phủ ban hành mới khá tốt khi cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Tuy nhiên, theo ông Lộc, trong bối cảnh hiện nay khi doanh thu của doanh nghiệp không nhiều thì gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ hiệu quả hơn khi tăng chi tiêu, đặc biệt cho các đối tượng yếu thế. Trong trường hợp này vừa tăng kích thích tiêu dùng vừa giải quyết được vấn đề xã hội, đạt được cả 2 “đích”.

Tham gia 3 nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đây là lần đầu tiên, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) được tiếp cận ngay tại Kỳ họp thứ nhất các báo cáo, kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức đến vậy. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã “bào mòn” sức khỏe của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Ở Quảng Trị, dù tình hình dịch bệnh không quá phức tạp nhưng trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp đều giảm, trong khi số doanh nghiệp dừng hoạt động lại tăng. Đây có lẽ là bức tranh chung của nhiều tỉnh, thành khác.

Nhìn rộng ra cả nước, khả năng tăng trưởng quý III sẽ thấp hơn so với kế hoạch do tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới, khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở lên kém lạc quan. Động lực chính cho kinh tế nước ta năm nay đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đã và đang bị ảnh hưởng đáng kể.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp có thể ngăn chặn chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% năm nay. Thu ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo...

Với những khó khăn, thách thức đang bủa vây, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay trên 6%, ông Đồng đồng tình giải pháp thường xuyên rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Theo ông, trong bất cứ hoàn cảnh nào, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội. Trước Kỳ họp này, các địa phương đã tiến hành rà soát tình hình triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh trên địa bàn các địa phương theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Từ đó, ông cho rằng, có thể từ Kỳ họp thứ hai có thể dùng một luật để sửa đổi các quy định đang gây khó khăn, phục hồi kinh tế sau đại dịch và việc này cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ với sự vào cuộc của tất cả các đại biểu Quốc hội, chứ không phải chỉ riêng Chính phủ.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm