Hố ga gây tai nạn liên hoàn, trách nhiệm thuộc về ai?

 TP HCM gần đây liên tục xuất hiện miệng cống chết người, những “hố tử thần” gây tai nạn liên hoàn, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào nhận trách nhiệm...

 TP HCM gần đây liên tục xuất hiện miệng cống chết người, những “hố tử thần” gây tai nạn liên hoàn, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào nhận trách nhiệm...

Trách nhiệm thuộc nhà thầu

Ngày 1/8/2010, một “hố tử thần” sâu 2m, đường kính 3m bất ngờ xuất hiện tại ngã 4 Phú Nhuận, khiến người dân vô cùng hốt hoảng. Tiếp sau đó là hàng loạt vụ tai nạn, đặc biệt là sau các cơn mưa lớn: Taxi đâm đầu xuống hố tử thần tại đường Lê Văn Sỹ hôm 14/9, hố sâu xuất hiện trên đường Nguyễn Văn Đậu 13/10, và mới đây nhất là tại Ngã 4 Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, quận 1, một hố sâu đột ngột xuất hiện khiến nhiều xe suýt gặp nạn.

Trước đó, tai nạn thương tâm đã xảy ra tại quận Thủ Đức là do các hố ga: Chị Hà Thị Tuyết Mai thiệt mạng do vướng nắp hố ga trên đừng Kha Vạn Cân, bị xe tải cán chết, anh Vũ Hồng Thái chết ngạt do lọt xuống cống thoát nước cạnh đường ray trên đường Tô Ngọc Vân.

Miệng cống cạnh đường ray Tô Ngọc Vân gây chết người
Miệng cống cạnh đường ray Tô Ngọc Vân gây chết người

Vô cùng bức xúc, anh Lê Văn Vị, một người xe ôm gần hẻm 386 Lê Văn Sỹ, nơi chiếc taxi do anh Lê Văn Tình lái từng đâm đầu xuống hố tử thần cho biết: "Chiếc hố này vài ngày trước đó đã xuất hiện, người dân đã báo lên, đơn vị thi công cũng xuống lấp lại, nhưng không biết lấp kiểu gì, chỉ có vài ngày còn sụp to hơn hố ban đầu. Hôm đó, nếu chiếc taxi kia không sụp xuống, thì sau đó một chiếc xe tải khác và mấy chiếc xe máy bên cạnh cũng lọt hố. Không biết tai họa sẽ như thế nào”.

Vế "hố tử thần" xuất hiện ở ngã 4 Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, người dân xung quanh đây cũng cho biết, khoảng 10 ngày trước khi hố sụp (tức ngày 10/10), hố này sụp một lần và được đơn vị liên quan lấp lại.

Theo ghi nhận của phóng viên, những người dân sinh sống tại đoạn Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, nơi có hố ga làm chị Mai thiệt mạng, đến nay vẫn chưa nguôi hoang mang, lo lắng, dù nắp hố đã được đơn vị thi công đến sửa chữa. Về phía các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, đến nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận lỗi với người dân.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng: Việc xuất hiện hàng loạt "hố tử thần" vừa qua là do nhà thầu không làm đúng quy trình thi công. Sở này cũng khẳng định rằng, nhà thầu là đơn vị phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phải phân định lỗi rạch ròi

Liên quan đến vấn đề nêu trên, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Thực ra trong câu chuyện này cần phân định lỗi rõ ràng như sau, nếu các miệng hố, cống nguy hiểm xuất hiện trong thời điểm tại đó có công trình đang thi công có biển báo, có giấy phép thì nhà thầu là đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm. 

Nắp hố ga nơi chị Tuyết Mai gặp nạn
Nắp hố ga nơi chị Tuyết Mai gặp nạn

Còn nếu công trình đã hoàn tất thì xem xét đã nghiệm thu hay chưa(?). Nếu chưa nghiệm thu, vẫn là trách nhiệm của nhà thầu, còn nếu đã nghiệm thu, trách nhiệm lúc này thuộc về Sở Giao thông Vận tải. Trách nhiệm cụ thể do từng đơn vị trực thuộc, Sở Giao thông Vận tải sẽ tự phân định. Nếu các bên đổ lỗi cho nhau thì cơ quan chức năng cần giám định nguyên nhân lỗi là do bên nào để đứng ra bồi thường cho người dân. Trong trường hợp người dân chưa xác định rõ thì làm đơn khiếu kiện gửi đến Sở GTCC.

Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM thì nhìn nhận vấn đề: Việc thi công, nghiệm thu ẩu, sau đó “mất bò mới lo làm chuồng”, đến khi xảy ra tai nạn thì quanh co chối trách nhiệm, đó là điều đáng trách của những người có trách nhiệm trong những công trình trên. Một số trường hợp nhà thầu đang thi công thì gây sụt lún, hố sâu, họ lại đổ trách nhiệm cho các công trình khác trước đó như đường ống, đường cáp quang…

Trong trường hợp này, đích danh nhà thầu đang thi công đó phải chịu trách nhiệm tái tạo mặt đường và bồi thường cho dân. Còn trách nhiệm của các đơn vị khác, nếu thu thập đủ chứng cứ, nhà thầu có thể khởi kiện sau đó.

Luật sư Phùng Anh Chuyên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Vụ tai nạn chết người ở miệng cống sát đường ray Tô Ngọc Vân, Q.Thủ Đức, có trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý chiếc cống đó. Khu vực miệng cống ấy theo quy định không được lưu thông, phải có thanh rào chắn, nhưng rào chắn đường ray đã bị dỡ bỏ, trách nhiệm còn thuộc về quản lý đường sắt?.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự lẫn Hình sự đã quy định rất rõ về trường hợp Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Ai là người gây ra tổn hại đến sức khỏe, tài sản người khác thì phải bồi thường thiệt hại và trách nhiệm trước pháp luật, không thể không có người đứng ra nhận lỗi, giải quyết hậu quả. Trong trường hợp có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, người dân nên làm đơn tố cáo đến Cơ quan Điều tra.

Theo đó, nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội, thì Cơ quan này sẽ khởi tố vụ án, xác định lỗi cụ thể thuộc về ai, ai là đối tượng bị khởi tố, và những ai là người chịu trách nhiệm liên đới để yêu cầu giải quyết hậu quả, bồi thường cho người bị hại.

Chiều 21/10, phóng viên Pháp luật Việt Nam tìm đến Thanh tra Giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để làm rõ hơn những vấn đề trách nhiệm liên quan đến vụ các “hố tử thần”, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Phó Đội trưởng - phụ trách Tổng hợp Hành chính cho biết, hiện các “sếp” bận đi họp, không còn ai để trả lời báo chí cả; Đến thứ hai tuần sau, mấy Sếp vẫn lu bu công việc nên chưa thể tiếp phóng viên được.

Chúng tôi tìm gặp ông Phúc – Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, ông Phúc nói: Phải có sự đồng ý của Ban giám đốc, thì chúng tôi mới cung cấp thông tin cho báo chí được; Chúng tôi tiếp tục liên hệ với văn phòng Sở, thì nơi đây hướng dẫn chúng tôi sang Công ty thoát nước đô thị TP.HCM để tìm hiểu vấn đề. Tại đây, đại diện Công ty cho rằng, đến nay chưa có trường hợp nào xảy ra sụt lún tại các công trình do mình (Công ty thoát nước dô thị) quản lý; Đồng thời “chỉ dẫn” chúng tôi sang gặp Ban quản lý Dự án vệ sinh & Môi trường TP.HCM làm việc.

Ngày 22/10 Ông Võ Văn Sen -  Trưởng phòng Hành chính Ban dự án vệ sinh & Môi trường cho biết: Theo thông kê mới đây của sở Giao thông Vận tải, có 19 hố sụt, lún mà nguyên nhân chính là do bể ống nước (12 vụ), 7 vụ còn lại do khách quan mang lại như do phải tháo rào chắn trong các dịp lễ... vụ sụt lún tại đường Lê Văn Sỹ Q.3, TP.HCM thuộc Dự án Ban quản lý của chúng tôi, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo ông sen thuộc về nhà thầu xây dựng.

Hồng Cơ – Ngọc Qúy

Ngọc Mai

Đọc thêm