Nghị định này bổ sung một chương quy định về kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ. Theo đó, điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Để được nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ, ngoài điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật và tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm,doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh phải tuân thủ điều kiện rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế, phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung. Điều kiện tương đương cũng được áp dụng đối với người bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.
Đối với việc sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên, Nghị định 17/2020/NĐ-CP nêu rõ: Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép. Thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.