Nơi phát hiện vụ nuôi nhốt hổ trái phép là ngôi nhà hai tầng, có xây một khu vực như tầng hầm dùng để nuôi hổ, hoàn toàn cách âm với bên ngoài nên khó bị phát hiện.
Hàng xóm cho rằng dù ở giữa làng nhưng hiếm khi hàng xóm nghe thấy tiếng động lạ hoặc như tiếng hổ gầm; trong nhà này còn con, cháu nhỏ, nên có nằm mơ nhiều người cũng không nghĩ đây là “trại hổ”, mà toàn những con hổ trưởng thành nặng đến hơn 200kg.
Thông thường, một con hổ ngoài tự nhiên phải 3-5 tuổi mới đạt trọng lượng trên 100kg. Nhưng nếu được nuôi nhốt cho ăn thì phát triển nhanh hơn, trọng lượng vài tạ.
Theo nhiều chuyên gia, có thể gia đình trên đã “nhập khẩu” “công nghệ” nuôi hổ từ một số “cơ sở bảo tồn” bên Lào chuyên nuôi hổ. Thức ăn cho hổ gồm thịt bò, xương bò, thịt gà, chân gà… Hổ trẻ đang nuôi lớn ăn xương bò, chân gà, thịt bò tươi. Hổ già chủ yếu ăn xương cho “bổ xương”. Con nào phát hiện tăng cân nhanh thì giảm khẩu phần. Hổ đực béo quá sẽ lười vận động, hổ cái béo núng ních sẽ khó sinh sản
Vòng đời con hổ nuôi chỉ trong 20 năm, sau đó yếu dần rồi tự chết. Hổ càng già, xương càng dày, chắc. Lớp hổ “trẻ” lên thay hổ “bố, mẹ” bắt đầu từ tuổi thứ 3, có thể sinh sản để “cung ứng giống” cho các cơ sở nuôi hổ trái phép.
Lớp hổ này có thể bị bán bất cứ lúc nào nếu được giá, hoặc bán nguyên con (tiêm thuốc mê), hoặc bán con đã chết. Hổ chết thì phải cho vào thùng đông lạnh, vừa dễ vận chuyển, vừa ăn gian bơm được nước vào trước khi ướp lạnh.
Hổ cái sinh sản khá dày. 5 tháng một lần sinh. Bình quân một năm hai lứa rưỡi. Một lần sinh từ 1-3 con. Hổ sinh nhiều nhưng tỷ lệ chết lên đến 70%, được ngâm rượu nguyên con.
“Công nghệ” như vậy, thì quả là nuôi hổ mà như… nuôi heo. Thế nhưng người nuôi “heo – hổ” trái phép tại Việt Nam là vi phạm Điều 244 BLHS, có thể bị phạt đến 15 năm tù. Nuôi hổ dễ dàng như nuôi heo, có thể cho hổ sinh đàn nở đống như vậy, sao vẫn trái phép, sao vẫn là tội phạm?
Căn nguyên ở chỗ loài hổ đang có nguy cơ tuyệt chủng và biến mất vĩnh viễn khỏi địa cầu. Số lượng hổ trên thế giới giảm 95% trong vòng 100 năm qua. Một trong những nguyên nhân là quan niệm của nhiều người phương Đông sử dụng các sản phẩm chế tạo từ hổ như là “thuốc bổ dưỡng tốt cho sức khoẻ”. Suốt nhiều thập kỷ, các bộ phận cơ thể hổ được sử dụng trong các loại thuốc Đông y, khiến giao dịch chợ đen nhộn nhịp. Người ta tận diệt hổ để phục vụ nhu cầu “bồi bổ” của một số người.
Sự tồn tại của những trại nuôi hổ trái phép càng làm gia tăng nhu cầu của nhóm đối tượng trên, khiến những con hổ bị biến thành “heo”, lại gây nguy hại cho số ít những cá thể hổ hoang dã còn lại. Các trại nuôi hổ trái phép không giúp ích gì cho việc bảo tồn hổ hoang dã; mà việc lén lút buôn bán các sản phẩm từ hổ càng kích thích nhu cầu bất hợp pháp, làm gia tăng hoạt động săn bắt trộm, dẫn tới sự tuyệt chủng của hổ hoang dã. Hàng trăm nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều đã khẳng định quan điểm trên qua các Công ước quốc tế.
Nói tóm lại, hổ không phải là heo, nên ngoài mục đích bảo tồn, không ai có quyền nuôi nhốt.