“Hổ mang chúa” ở vùng trời Đông Bắc

(PLO) - Sau một thời gian huấn luyện chuyển loại máy bay từ MiG-21 sang máy bay thế hệ mới, đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không Trung đoàn Không quân 927 Anh hùng đã hoàn toàn làm chủ máy bay tiêm kích đa năng SU-30MK2 có biệt danh “hổ mang chúa”.
Máy bay hạ cánh xuống đường băng 927.
Máy bay hạ cánh xuống đường băng 927.

“Hổ mang chúa” Su-30MK2 thay thế tiêm kích huyền thoại MiG-21

Trung đoàn 927 Anh hùng (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Hải quân) được giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị trong Sư đoàn 371 bảo vệ vùng trời phía bắc của Tổ quốc. Sân bay Kép, Bắc Giang trước là căn cứ sân bay của Trung đoàn Không quân 927, nơi sử dụng dòng tiêm kích huyền thoại MiG-21 (biến thế MiG-21Bis), góp phần cùng các lực lượng phòng không 3 thứ quân bảo vệ vững chắc vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc. 

Trước yêu cầu phát triển, đưa Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, các máy bay màu bạc MiG-21 sau khi “hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ” đã “tạm biệt bầu trời”, nằm thảnh thơi trong khu vòm để máy bay trực chiến ngày nào, còn trọng trách bảo vệ bầu trời  được đặt lên đôi cánh những chiếc Su-30MK2 - các máy bay tiêm kích hiện đại có biệt danh “hổ mang chúa” đang sừng sững đậu trong khoang chứa máy bay. Sân bay Kép cũ nay đã được nâng cấp khang trang, đường băng kéo dài hơn, các khu nhà chứa máy bay, khu đảm bảo kỹ thuật, nhà ở phi đội,... đều đã được xây mới xứng với trung đoàn không quân tiêm kích hiện đại bậc nhất của Việt Nam. 

Vào cuối năm 2016, Trung đoàn 927 đã chính thức trở thành đơn vị thứ 3 trong Không quân Nhân dân Việt Nam được trang bị máy bay tiêm kích Su-30MK2 hiện đại hàng đầu thế giới. Đến nay, cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều đã được các cánh bay Su-30MK2 bảo vệ. Trước đó, các cán bộ kỹ thuật, phi công của Trung đoàn 927 đã được chuyển tới Trung đoàn 923 huấn luyện chuyển loại Su-30MK2. 

Trung tá Nguyễn Thế Huỳnh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927 cho biết: “Việc chuyển loại từ mẫu tiêm kích MiG-21 sang Su-30MK2 là vô vàn khó khăn bởi hai loại máy bay này có hệ thống điều khiển khác biệt nhau lớn, là khoảng cách công nghệ đến gần nửa thế kỷ. Thời gian phục vụ cho một ban bay, với Su, phải gần gấp ba lần với MiG-21 trước đây. Trong gần ba năm, trung đoàn chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ Đoàn Yên Thế tạo điều kiện tối đa để có thể học tập và huấn luyện trên vũ khí trang bị mới. Ở đó, cả phi công và các thành phần bảo đảm của hai đơn vị đều cùng ăn, cùng ở, cùng huấn luyện và cùng thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã được truyền dạy lại một cách hiệu quả nhất những kiến thức và kinh nghiệm khai thác, sử dụng máy bay Su-30MK2”. 

Các phi công trở về sau chuyến bay.
Các phi công trở về sau chuyến bay.

Miệt mài huấn luyện bay ngày, bay đêm

Một ban bay ngày của Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời tiết “đỏng đảnh” của tháng ba, khi mưa xuân cứ sập sùi, mây thấp, tầm nhìn hạn chế. Thời gian từ khi bay chuyển sân về đơn vị đến nay chưa dài, song Trung đoàn Không quân 927 đã tổ chức được nhiều ban bay an toàn, chất lượng. Riêng ban bay ngày hôm qua, đơn vị hoàn thành 100% kế hoạch.

Bay trên máy bay mới và hiện đại, một trong những yêu cầu quan trọng đối với các phi công Trung đoàn Không quân 927 là phải khai thác khối lượng trang thiết bị “khổng lồ”, đặc biệt là trang thiết bị buồng lái. Là máy bay chiến đấu thế hệ 4 nên SU-30MK2 được điện tử hóa nhiều trang thiết bị, các hướng dẫn sử dụng thiết bị; lời cảnh báo hỏng hóc, bất trắc; cách xử lý các bất trắc đó... đều thể hiện bằng tiếng Nga. Vì thế, chỉ khi nào có được những kiến thức cơ bản về tiếng Nga thì phi công mới có thể khai thác và làm chủ được máy bay. 

Để tìm lời giải cho “bài toán ngoại ngữ”, Trung đoàn Không quân 927 đã được cấp trên tạo điều kiện tổ chức các lớp học tiếng Nga cho phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không, do giáo viên các trường đại học lên lớp; đồng thời huy động nội lực bằng cách phân công các phi công, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật lên lớp tiếng Nga chuyên ngành. Nhờ vậy, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không ngày càng được củng cố; khả năng khai thác trang thiết bị cũng hiệu quả hơn, làm cơ sở cho việc huấn luyện bay đạt kết quả vững chắc.

Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thịnh, Tổ trưởng chuyên ngành máy bay động cơ, Đội 2, Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật hàng không chia sẻ: “Bay ngày vốn đã đòi hỏi sự thận trọng và tập trung, bay đêm lại đòi hỏi cao hơn nữa, bởi ánh sáng hạn chế hơn ban ngày rất nhiều. Với quyết tâm bảo đảm máy bay có chất lượng tốt nhất ngay từ mặt đất, ngành kỹ thuật hàng không không chỉ kiểm tra kỹ, chuẩn bị chu đáo mà còn phải phán đoán những hỏng hóc có thể phát sinh để ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để máy bay hỏng hóc trên không. Chuẩn bị trước ngày bay, rồi tiếp đến là chuẩn bị trước ban bay, và công tác chuẩn bị của ngành kỹ thuật hàng không còn được tiến hành trước mỗi chuyến bay, với việc kiểm tra đủ số lượng, chất lượng các loại dầu, khí nạp cho máy bay theo từng bài bay cụ thể; đặt tham số ban đầu, thông điện, kiểm tra các hệ thống trên máy bay, bảo đảm ở tình trạng tốt nhất; tiếp đó là giúp phi công tiếp thu buồng lái”.

Chiều dần chạng vạng. Chiếc SU-30MK2 bay trinh sát khí tượng tăng lực rền vang, luồng lửa sáng chói phụt ra từ 2 miệng động cơ. Chiếc máy bay lao như tên bắn trên đường băng rồi rời đất vút lên bầu trời mờ sương với góc lên rất lớn. Sau chuyến bay trinh sát khí tượng, chỉ huy bay xác định thời tiết thực tế cho phép đơn vị bay theo kế hoạch 2: Bay vòng kín rộng. Bóng tối loang dần trên sân bay. Hoạt động bay chính thức bắt đầu, từng chiếc SU-30MK2 vun vút lao vào màn đêm sâu thẳm. Bài tập hạ cánh giả định là một phần trong mỗi chuyến bay đêm, với máy bay thả càng tiếp cận đường băng ở độ cao thấp, rồi sau đó tiếp tục tăng vòng quay và vút bay lên. Đó là kỹ thuật lái thể hiện trình độ cao và bản lĩnh vững vàng, được các phi công bay đêm của Trung đoàn thực hiện vô cùng thuần thục.

Khi mỗi chiếc máy bay vừa hạ cánh, lăn về sân đỗ, những người lính thợ kỹ thuật hàng không lại nhanh chóng tiếp thu máy bay, nắm phản ảnh về tình trạng máy bay từ phi công để hiệu chỉnh kịp thời nếu có sai lệch, bảo đảm máy bay đủ điều kiện tham gia chuyến bay tiếp sau. Tiếp đó là công đoạn nạp dầu, khí; bàn giao máy bay cho phi công; hướng dẫn phi công lăn ra đường băng thực hiện chuyến bay kế tiếp... 

Đọc thêm