Ước nguyện cuối cùng của một dũng sĩ diệt máy bay Mỹ

(PLO) -Với thành tích trong vòng 3 năm đã cùng đồng đội bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, tên của ông đã gắn liền với những danh hiệu “xạ thủ số 1” hay “dũng sĩ diệt máy bay” oai hùng.
Người vợ bên di ảnh Trung tá Lê Xuân Tưởng
Người vợ bên di ảnh Trung tá Lê Xuân Tưởng

Trở về từ chiến trường, ông chọn cho mình cuộc sống bình dị với xóm làng cho đến ngày lâm bạo bệnh ra đi, trong khi tâm nguyện được công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vẫn còn bỏ ngỏ, dang dở. 

Về thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hỏi nhà ông Lê Xuân Tưởng (SN 1950) không ai là không biết. Một cựu chiến binh ở cùng thôn bùi ngùi tỏ lòng tiếc nuối “ổng giỏi lắm, được ví là tay súng số 1 diệt máy bay lẫy lừng một thời, mà khi cởi áo lính ổng sống rất giản dị, gần gũi, không hề màng danh lợi.

Tụi tui, gia đình hối thúc mãi ổng mới chịu làm hồ sơ xin được Nhà nước công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Suốt gần chục năm trời hồ sơ chưa được xét duyệt thì ổng qua đời. Đến nay con cháu ổng không theo được nữa nên hồ sơ vẫn còn “nằm chờ”. Tụi tui ai cũng tiếc nuối”. 

Bên bờ dòng Kiến Giang hiền hòa, căn nhà cấp bốn đã cũ kỹ rêu phong nằm cuối một con ngõ nhỏ, phía sau là đồng ruộng đang mùa mạ non một màu xanh ngắt. Nhắc đến tên chồng, bà Nguyễn Thị Thoàn (66 tuổi) hai mắt nhòe lệ đưa tay về phía di ảnh đặt trên ban thờ: “Ông mất năm 2014 rồi. Căn bệnh ung thư vòm họng quái ác phát tác được hơn 1 năm thì ông bỏ tui mà đi, lúc đi cũng không yên lòng mà nhắm mắt”.

Những huân, huy chương, bằng khen của ông Tưởng
Những huân, huy chương, bằng khen của ông Tưởng 

1 tiểu đội, 30 phút, hạ 5 trực thăng Mỹ

Người vợ ngồi bần thần lật từng trang hồ sơ cũ kỹ và những tấm bằng khen, giấy chứng nhận Huân, huy chương đã cũ mèm ố vàng đặt ngăn nắp trên bàn. Bà cho hay khi mới chưa tròn 16 tuổi, ông xung phong tham gia và được phân công vào đơn vị dân quân trực chiến 12,7 ly của xã. 

Trong những năm giặc Mỹ mở rộng tấn công bằng không quân ra miền Bắc, vùng đất Lệ Thủy (Quảng Bình) là nơi chúng tập trung hỏa lực, điên cuồng bắn phá ngày đêm nhằm cắt đứt mọi sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam khói lửa.

Năm 1969, ông nhập ngũ vào tiểu đoàn Nhật Lệ - Quảng Bình. Sau 1 tháng luyện tập ông được bổ sung vào Đại đội 17 (thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 324) trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên – Huế (nay là 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế). 

Tháng 12/1969 đơn vị được lệnh hành quân vào cao điểm 1078 để chiến đấu nhằm bảo vệ kho tàng, đường hành quân của ta và chi viện cho bộ binh đánh địch. Mới vào chiếm lĩnh trận địa, chưa hoàn thành công sự thì cả đơn vị bị B52 địch thả bom.

Người cựu binh viết trong hồi ký: “Ngày 2/1/1970, trung đội của tôi lại hành quân chiếm lĩnh trận địa. Tôi được phân công là xạ thủ số 1. Công sự vừa được hoàn thành thì một chiếc máy bay “cán gáo trinh sát” mò đến. Khẩu đội quyết tâm phải diệt tên này, chúng tôi vào vị trí chiến đấu. Khẩu đội trưởng Nhàn ra lệnh, tôi điểm hỏa, chiếc “cán gáo” rơi ngay tại chỗ... 

Ngày 20/2/1970, tiểu đội được lệnh hành quân ra ngã ba sông Đập Lìm đánh địch bảo vệ cho các đơn vị vận chuyển lương thực, vũ khí và tại địa điểm này tôi đã điểm hỏa bắn rơi 4 máy bay trực thăng vũ trang của địch”. 

Bà Thoàn nhẹ nhàng lật những trang hồi ký đã nhuộm màu thời gian của chồng “... mờ sáng ngày 2/7, pháo địch tấn công dồn dập vào trận địa dọn đường cho trực thăng chuẩn bị đổ quân. Đến 10h30, chúng bắt đầu đổ quân, dùng nhiều thủ đoạn: thay đổi đội hình bay, do thám thăm dò, cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa... Mặc dù bị hỏa lực bắn phá dữ dội nhưng chúng tôi vẫn không nao núng, tiếp tục bám trận địa chiến đấu. Có tiếng máy bay từ xa vọng lại, rồi chiếc đi đầu dần lộ rõ trước nòng súng.

6 giấy chứng nhận “dũng sĩ diệt máy bay”
6 giấy chứng nhận “dũng sĩ diệt máy bay”

“Bắn!” – Khẩu đội trưởng ra lệnh. Tôi điểm hai loạt đạn ngắn, chiếc đi đầu trúng đạn, xịt khói mù mịt rồi quay tít, rơi cách trận địa khoảng 50m. Tôi tiếp tục rê nòng súng, lại hai loạt đạn được khai hỏa, chiếc thứ hai bị tiện đứt đôi. Trong vòng 30 phút đầu, tiểu đội tôi đã bắn rơi 5 chiếc HU1A”. 

Cuốn nhật ký còn ghi những giây phút ông cùng đồng đội kiên cường bám giữ trận truyến “... bị đòn đau, địch nã pháo dữ dội vào trận địa, chiếc đi sau vọt lên cao kêu bọn F4 đến vây ngọn đồi. Trận địa bị lộ, chúng tôi được lệnh cơ động sang trận địa dự phòng. Do bắn quá nhiều, nòng súng cháy đỏ.

Mặc, tôi lấy nước đổ vào chiếc khăn rồi bọc quanh nòng súng vác chạy sang trận địa mới. Sức nóng khủng khiếp của nòng súng làm bỏng rộp cả hai bàn tay và bờ vai nhưng tôi vẫn mặc kệ, lao mình về phía trước. Sang trận địa mới, chúng tôi tiếp tục kiên cường chiến đấu, hạ thêm 2 máy bay...”. 

Người vợ kể: “Chuyện chiến trường, khi còn sống ông kể 3 ngày 3 đêm cũng không hết. Có lần ông một mình một súng vừa điều khiển ngắm vừa bắn, liên tục bắn rơi 2 máy bay” Ngày 21/3/1971 ông Tưởng được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. Năm 1972, ông được đề bạt làm Trung đội trưởng.

Năm 1974, ông được điều động về trường Quân chính Quân khu Trị Thiên – Huế. Sau ngày giải phóng, ông được lệnh công tác tại trường Quân chính Quân đoàn II, phụ trách cán bộ giáo viên cho đến năm 1991 thì nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá.

Tâm nguyện còn dang dở

Trong vòng 3 năm làm xạ thủ số 1 (từ năm 1969 đến 1972 – PV), ông Tưởng được cho là đã cùng đồng đội bắn rơi tổng cộng 37 chiếc máy bay Mỹ. Trong đó bắn rơi tại chỗ 6 chiếc, bắn bị thương 3 chiếc.

Người vợ nhẩm đếm những phần thưởng ông đã nhận: 6 huy hiệu dũng sĩ diệt máy bay, 5 lần được tặng huân chương chiến công hạng nhì và hạng 3, 1 huân chương kháng chiến hạng ba, 2 huân chương giải phóng hạng nhì và hạng 3, 3 huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, hạng hai và hạng 3; 1 dũng sĩ quyết thắng, 3 bằng khen giải phóng Quảng Trị (1972- 1973), 2 bằng khen chiến sĩ thi đua, 1 huy hiệu chiến thắng Quảng Trị, 1 huy hiệu toàn thắng, 2 bằng khen trong huấn luyện. 

Bà Thoàn: “Hồ sơ gửi đi bao nhiêu lần lại chỉ nhận về một sự thất vọng”
Bà Thoàn: “Hồ sơ gửi đi bao nhiêu lần lại chỉ nhận về một sự thất vọng”

Bà quen biết ông năm 1971 khi đang là nữ kế toán của một hợp tác xã. Giữa chiến tranh, bom đạn ác liệt họ vẫn dành tình yêu sắt son cho nhau. Năm 1974, một lễ cưới tổ chức. Chỉ sau 10 ngày phép, ông lại ba lô, bi đông lên đường trở lại chiến trường.

Một mình bà ở nhà vừa chăm lo cha mẹ già hai bên chu đáo, vừa sinh con và thủy chung đợi chờ chồng. Họ có với  nhau 4 người con, đều là những “phần thưởng” cắt phép sau những lần ông lập công bắn hạ được nhiều máy bay của địch. 

“Năm 1991, gia đình tui gặp cảnh khó khăn, sợ tui không kham được đàn con và cha mẹ hai bên đều đã già yếu, ông liền xin nghỉ hưu sớm. Cởi áo lính ông trở thành nông dân thực thục, cuốc đất trồng rau, cày ruộng, việc gì ông cũng không nề hà. Những năm đó, chưa bao giờ ông nghĩ đến việc công danh lợi lộc cho riêng mình.

Rất lâu sau, những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, gợi nhắc lại kỷ niệm giục ông làm hồ sơ. Gia đình tui cũng hi vọng sự cống hiến của ông sẽ có ngày được ghi nhận xứng đáng. Nhưng hồ sơ gửi đi bao nhiêu lần lại chỉ nhận về một sự thất vọng. Nhiều cơ quan cho rằng những đồng đội của ông đều đã mất, không có người làm chứng. Vậy thử hỏi bao nhiêu huy hiệu, huân, huy chương và bằng khen mang tên ông có nghĩa lý gì?”, bà Thoàn thắc mắc. 

“Năm 2013, trong khi hồ sơ còn dang dở thì ông sinh bệnh. Mẹ con tui đưa ông vào bệnh viện thì hay tin ông bị bệnh ung thư thanh quản vòm họng. Bao nhiêu lần nhập viện điều trị, phẫu thuật nhưng bệnh tình vẫn phát tác nặng hơn.

Đơn đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Tưởng được những cựu chiến binh đồng ký tên
Đơn đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Tưởng được những cựu chiến binh đồng ký tên

Tháng 6/2014, ông bỏ mẹ con tui ra đi sau hơn 1 năm cầm cự. Lúc ông sắp lâm chung, ông gọi tui và các con đến bên giường. Lần đầu tiên tui thấy ông khóc, không phải vì nỗi đau thể xác mà vì tâm nguyện chưa hoàn thành được:

“Ba không đợi được đến ngày được nghe hai từ “anh hùng”, chỉ mong các con tiếp tục cố gắng sống tốt, góp ích cho đời”. Nói dứt câu thì ông đi. Đến giờ bộ hồ sơ xin được công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của ông vẫn chưa có hồi âm”.

Đọc thêm