Muôn vàn lợi ích
Ngày 12/11/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5349/QĐ-BYT về phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đến năm 2025. Việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành Y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
Đối với thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe lớn của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.
Mục tiêu chung của việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu Y tế Quốc gia. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đáp ứng các mục tiêu như xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân; thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn mà ngành Y tế đã ban hành.
|
Ảnh minh họa |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân thời gian qua nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó trong quá trình triển khai cũng gặp không ít những khó khăn, bất cập.
Hiện nay, Bộ Y tế đã thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An với 26 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Riêng tại Hà Nội, việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân được triển khai tại các trạm y tế từ đầu năm 2018.
Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 1 phòng khám và 20 trạm y tế xã, thị trấn. Trong hai năm 2018 và 2019, huyện đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng nâng cao chất lượng 13 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Nhờ triển khai mô hình này nên chất lượng dịch vụ tại các trạm y tế đã tăng lên. Toàn huyện cũng đã có 99% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.
Tại Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình, 97% dân số trong xã đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã khai trương và đưa vào hoạt động 5 trạm y tế xã theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Tại các trạm y tế này đã có 40.117/41.926 người được lập hồ sơ quản lý sức khỏe (đạt 95,7%).
Tuy nhiên, theo các Trạm trưởng Trạm Y tế xã, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại trạm y tế còn hạn chế. Các phần mềm chưa tương thích với các bệnh viện tuyến trên nên khó khăn trong việc theo dõi tiền sử bệnh tật của người dân. Việc cập nhật các lần khám chữa bệnh của người dân vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe chưa bảo đảm do thiếu nhân lực để vận hành và các phần mềm chưa được kết nối liên thông…
Tình trạng trên cũng xảy ra tại một số địa phương khác. Tại Bắc Giang, cuối năm 2018, huyện Yên Dũng đã hoàn thành lập hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho người dân, với tổng số hồ sơ đã lập đạt trên 92%. Dữ liệu của hồ sơ đã kết nối với phần mềm khám sức khỏe, liên thông từ xã lên tỉnh. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa được cấp mã số định danh để có thể tự tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh, tình trạng bệnh tật của bản thân.
Nói về vấn đề trên lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng cho biết, dù đã chia làm 3 nhóm đối tượng, bố trí các ngày khám phù hợp với từng nhóm, tuy nhiên do nhiều người đi làm ăn xa, người già không đến khám nên tỷ lệ khám chưa cao. Cùng với đó, việc cấp mã số định danh cho người dân chưa tiến hành vì đơn vị chức năng đang băn khoăn dựa vào số chứng minh thư hay số thẻ bảo hiểm y tế. Huyện sẽ dựa theo lộ trình để hoàn thành việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Trước đó thông tin tới báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, về một số bất cập như phần mềm áp dụng chưa liên thông; một số địa phương còn lúng túng khi lựa chọn phần mềm, mã định danh y tế, mẫu hồ sơ và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý… Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
“Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định phương thức xây dựng mã định danh y tế cho người dân, bảo đảm mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế. Thời gian hoàn thành là năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
Về phía thành phố Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe từ các trạm y tế đến các bệnh viện của thành phố. Khi thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, chúng tôi phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, nhất là các yếu tố an toàn, bảo mật.