“Thế giới ngầm” buôn lậu cổ vật

(PLO) -Hầu như tuần nào truyền thông Ai Cập cũng đưa tin việc một lô cổ vật được trao trả. Tuy nhiên, chúng chỉ là những món đồ nhỏ trong số 3 tỷ USD đồ cổ bị tuồn ra nước ngoài.
Mẫu vật từ Mộ Tetiki được trưng bày ở Bảo tàng Luxor, Ai Cập, lần đầu tiên sau khi được chuyển về từ Bảo tàng Louvre, Pháp, năm 2009
Mẫu vật từ Mộ Tetiki được trưng bày ở Bảo tàng Luxor, Ai Cập, lần đầu tiên sau khi được chuyển về từ Bảo tàng Louvre, Pháp, năm 2009

Tháng 3/2017, khi cơ quan chức năng tịch thu chiếc túi ngoại giao tại cảng ở Naples, Italy, họ không nghĩ rằng sẽ “khai quật” được một kịch bản không khác gì bộ phim Indiana Jones.

Trong chiếc túi bị phát hiện vào tháng 3/2017 là bộ sưu tập đồ cổ phong phú: những chiếc mặt nạ xác ướp đầy màu sắc, gần 200 món đồ nhỏ và hơn 20.000 đồng xu. Chúng là cổ vật bị trộm từ Ai Cập và rõ ràng mạng lưới những cá nhân quyền thế có liên quan đến vụ việc.

Bao nhiêu món đồ đã bị đánh cắp? 

Nạn săn đồ cổ có lẽ gần lâu đời bằng chính những cổ vật. Tuy nhiên, ở Ai Cập, tình trạng buôn lậu ngày càng tệ thời gian gần đây, và truyền thông xã hội khiến việc tiếp cận với kho báu bí ẩn trở nên dễ dàng hơn. 

Cơn khủng hoảng nghiêm trọng đến mức có thể quan sát được từ không gian. Hình ảnh vệ tinh chụp lại những khu vực khảo cổ cho thấy nhiều chỗ đất trũng xuất hiện ở nơi cổ vật bị đánh cắp. Tổ chức Liên hiệp Cổ vật, trụ sở tại Mỹ, ước tính từ năm 2011, 3 tỷ USD cổ vật Ai Cập đã bị “tuồn” ra nước ngoài.

Dẫu vậy, gần như không ai biết chính xác bao nhiêu món đồ đã bị đánh cắp và giá trị của chúng. Một số nhà Ai Cập học, trong đó có Tiến sĩ Zahi Hawass, cựu bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, tin rằng chỉ khoảng 30% thế giới cổ đại đã được khai quật, tức nhiều vật có thể còn chưa từng được ghi nhận.

Thậm chí, ngày nay, chỉ đơn giản là đào đất cũng có thể phát hiện cổ vật nghìn năm tuổi. “Ai Cập hiện đại hình thành trên nền tảng Ai Cập cổ. Do đó, mọi người có thể đào góc sân nhà và tìm thấy cổ vật”, Tiến sĩ Hawass đánh giá.

Một nhà khảo cổ khai quật mộ cổ ở Ai Cập
Một nhà khảo cổ khai quật mộ cổ ở Ai Cập

Tình hình bất ổn tồn tại ở Ai Cập trong 7 năm qua là nguyên nhân khiến giao thương trái phép gia tăng. Khi các cuộc biểu tình năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak sau 30 năm cầm quyền, nhà nước cảnh sát cũng dần sụp đổ. Hàng trăm cổ vật từ thời Pharaoh, Cơ Đốc giáo Coptic, Hồi giáo và trong các bảo tàng hầu như không có ai canh gác. Kẻ trộm mộ cứ thế nhào vào "quét sạch".

Các kho báu được chuyển tới chợ đen lợi nhuận “khủng” qua cảng quốc tế và biên giới còn nhiều lỗ hổng của Ai Cập. Nhiều cổ vật đến được Mỹ, châu Âu và góp mặt trong những bộ sưu tập khác nhau. Đây cũng là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, các kho báu Ai Cập cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác thuộc Trung Đông, châu Á và cả Australia.

“Đây là ngành thương mại toàn cầu, khắp thế giới”, ông Shaaban Abdel-Gawad, người đứng đầu cơ quan hồi hương đồ cổ thuộc bộ Cổ vật Ai Cập, nhận định.

2.000 vụ thu giữ đồ cổ Ai Cập

Nhà nhân học Katie A Paul tại Washington tiến hành một nghiên cứu kéo dài 6 năm qua về nạn buôn bán cổ vật trái phép ở Ai Cập. Sau khi phân tích báo cáo của chính phủ và truyền thông, công trình nghiên cứu phơi bày 2.000 vụ thu giữ đồ cổ Ai Cập tại nhiều cảng khắp thế giới. 

Những kẻ buôn lậu cũng đủ loại người, từ những băng đảng lớn, có trang bị vũ khí, hoạt động có tổ chức và đột kích lực lượng canh gác địa điểm khảo cổ, tới những dân làng may mắn tìm ra cổ vật trên mảnh đất của họ và bán lại cho bên trung gian hoặc xã hội đen ở địa phương. 

“Rất nhiều người tuyệt vọng về kinh tế, và đó là triệu chứng của vấn đề lớn hơn xuất phát từ sự sa sút của ngành du lịch sau cách mạng”, bà Paul đánh giá.

Mạng xã hội cũng đóng vai trò đáng kể trong sự nổi lên của ngành giao thương bất hợp pháp này. Theo chuyên gia, một trang Facebook đã được lập vào năm 2016 nhằm sử dụng nguồn lực cộng đồng để gom thông tin về cách tự khai quật trái phép, và trang này thu hút hơn 50.000 thành viên chỉ trong một năm.

Cựu bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass
Cựu bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass

Một số quan chức Ai Cập từng bị tố có dính líu tới nạn săn cổ vật. Một nhà khảo cổ cho rằng thậm chí các điều tra viên liên quan. “Đôi khi tôi cho rằng các điều tra viên là đồng phạm và cảnh sát cũng thường đồng lõa. Trong một số trường hợp có thể có cả quân đội bởi họ vận chuyển cổ vật bị trộm ra nước ngoài bằng máy bay quân sự”, người này cho hay.

Trong quá khứ có rất ít rào cản ngăn nạn trộm mộ và buôn lậu. Nhiều cổ vật được biếu tặng cho các quốc gia khác trong thời kỳ thuộc địa, như cột đá đền Luxor tại Paris ngày nay, hoặc đơn giản là bị “tuồn” ra ngoài Ai Cập vì thiếu luật.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong những thập niên gần đây. Năm 1970, Công ước UNESCO được ký nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu di sản văn hóa. Riêng tại Ai Cập, Luật Bảo vệ Cổ vật được thông qua vào năm 1983, quy định thời hạn tù và phạt tiền mức thấp nhất 50.000 bảng Ai Cập (3.900 USD), cao nhất là gấp 10 lần.

Dẫu vậy, luật hiện nay cũng không thể giúp giải quyết những vụ trộm trong quá khứ. Ai Cập hầu như không có bất kỳ biện pháp nào để khôi phục đồ cổ bị đánh cắp hàng chục năm trước.

Chiến dịch “hồi hương”

Hồi năm 2017, bà Joan Howard, sống tại Perth, Australia, gây náo động Ai Cập khi khoe bộ sưu tập đồ cổ khổng lồ với truyền thông.

Là vợ của một nhà ngoại giao thuộc Liên Hợp Quốc tại Trung Đông trong thập niên 1960-70, bà Howard dành nhiều thời gian để sưu tầm đồ cổ khắp thế giới, trong đó có Ai Cập. Tận dụng đặc quyền cùng luật lỏng lẻo, bà đã đưa hàng loạt món đồ về ngôi nhà ở ngoại ô Perth. 

“Thật điên rồ. Tôi không tin bà ấy có bất kỳ quyền gì để sở hữu những món đồ cổ trong nhà”, Tiến sĩ Hawass nói. 

Sau đó, Bộ Cổ vật Ai Cập đã đệ đơn tới Đại sứ quán Australia ở Cairo. Tuy nhiên, Bộ Truyền thông Australia phát thông cáo cho biết bộ sưu tập của bà Howard được nhập về trước khi Đạo luật năm 1986 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Di dời được có hiệu lực. Do đó, không có cơ sở pháp lý nào để chính phủ Australia có thể can thiệp.

Hai bức tượng nữ thần chiến tranh Sekhmet được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Berlin, Đức
Hai bức tượng nữ thần chiến tranh Sekhmet được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Berlin, Đức

Gần như tuần nào truyền thông Ai Cập cũng có bài đăng tin thông báo thêm một lô cổ vật được trả lại. 

Ông Abdel-Gawad cho biết 1.600 món đồ cổ đã được hồi hương từ năm 2011 nhờ một loạt thỏa thuận với các nước khác. Riêng trong năm 2016, số cổ vật được đưa về Ai Cập là 1000.

Những vật phẩm được phát hiện trong chiếc túi ở Naples hiện được trưng bày một phần tại Bảo tàng Ai Cập từ tháng 6. Ông Abdel-Gawad cho biết số cổ vật này có vẻ đã bị đánh cắp từ các khu khai quật khảo cổ. 

Tuy nhiên, như hầu hết đồ cổ được gửi trả, chúng nhỏ bé hơn các kho báu thất lạc nổi tiếng và khó có thể thu hút nhiều người tới bảo tàng.

“Một trong những mơ ước của tôi là hồi hương pho tượng bán thân của Nữ hoàng Nefertiti, tượng Hemiunu (kiến trúc sư Đại Kim tự tháp) và phiến đá Rosetta từ Bảo tàng Anh”, ông Abdel-Gawad chia sẻ. 

Dẫu vậy, đó không phải là việc dễ dàng khi nhiều món đồ nổi tiếng nhất đã bị đưa khỏi Ai Cập một cách hợp pháp theo luật thời điểm đó. Các bảo tàng nước ngoài cũng thường không sẵn sàng trao trả những "quân bài" hút khách nhất của họ. 

Đọc thêm