Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực thi

(PLVN) - Báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương cho thấy, có trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành 50% mục tiêu về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi…
Chính sách hỗ trợ DNNVV còn khoảng cách xa so với thực tiễn. (Ảnh minh họa)
Chính sách hỗ trợ DNNVV còn khoảng cách xa so với thực tiễn. (Ảnh minh họa)

Chính sách: Không thiếu!

Tại Hội thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 35/NQ-CP (Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 do Bộ KH&ĐT phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) 2017 và Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là hai trong số các chính sách quan trọng về phát triển DN giai đoạn 5 năm qua.

Nghị quyết 35 đã quán triệt 10 nguyên tắc đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị “DN Việt Nam - động lực phát triển kinh tế” vào tháng 4/2016. Trong đó có những nguyên tắc quen thuộc nhưng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa thời sự, như: DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước lấy DN là đối tượng phục vụ; Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cũng có nguyên tắc mang quan điểm rất mới, được cộng đồng DN đánh giá cao, như: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Nghị quyết 35 đưa ra 6 mục tiêu cụ thể: 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020; Khu vực tư nhân đóng góp 48-49% GDP; Khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 30-35% GDP; Năng suất lao động tăng 5%/năm; Hàng năm có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đồng thời Nghị quyết quy định 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tương ứng với các giai đoạn phát triển của DN nhằm đạt được mục tiêu đề ra, bao gồm: Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; Tạo dựng môi trường thuận lợi cho các DN sáng tạo và khởi nghiệp; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; Giảm chi phí kinh doanh; và Bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của DN.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018). Đây là đạo luật đầu tiên ở nước ta về hỗ trợ DNNVV. Luật được xây dựng và ban hành nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc; phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của DNNVV.

Để hướng dẫn triển khai Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP (Nghị định 39) ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Hiện 5/5 Nghị định hướng dẫn Luật đã được ban hành đầy đủ.

“Có thể nói các chính sách về phát triển DN và hỗ trợ DNNVV giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Tốc độ tăng DN bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên: từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019…”- Thứ trưởng đánh giá.

Vì sao 50% mục tiêu chưa đạt?

Báo cáo của Cục phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho thấy, đến nay, việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 39 đã được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH cơ bản hoàn thành. 

Kết quả tổng hợp về tình hình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành từ các địa phương cũng cho thấy, tính đến hết tháng 5/2020, trên toàn quốc đã có 55/63 địa phương ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện tại, 3/6 chỉ tiêu mà Nghị quyết 35 đã đặt ra đã không hoàn thành (Chỉ tiêu về số DN, đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP và đóng góp vào đầu tư toàn xã hội).

“Tại sao 50% mục tiêu của Nghị quyết 35 chưa đạt được mặc dù theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương thì trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành?“- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông băn khoăn. Theo Thứ trưởng, đang có khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có nhiều giải pháp khác nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN…, tuy nhiên đến nay, TP Hồ Chí Minh đã không đạt mục tiêu 500 nghìn DN như đã cam kết. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù được cơ quan quản lý luôn khuyến khích, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Giang cũng cho rằng, Bắc Giang đã tích cực triển khai Nghị quyết 35, có kế hoạch thực hiện cụ thể. Tuy nhiên thực tế nhiều DN thực hiện các thủ tục hành chính còn bị nhũng nhiễu, một số cán bộ công chức đạo đức công vụ chưa tốt, dẫn đến chi phí không chính thức, hiện tượng tham nhũng vặt vẫn còn. Các DN vẫn phản ánh DN tư nhân không được đối xử công bằng so với DN FDI và DN có nguồn gốc từ cổ phần hóa DN nhà nước.

Ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt - Đức nhìn nhận, việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cũng như Nghị quyết 35 đang theo mô hình tam giác ngược, tức là phía trên TW rất quyết liệt, thông thoáng nhưng càng xuất dưới địa phương càng khó khăn. Ông lấy ví dụ như chính sách hỗ trợ DNNVV khó khăn vì dịch Covid-19 vừa rồi, trong Hiệp hội DNNVV Việt - Đức hầu như chưa có DN nào được hưởng.

Nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35, sửa Nghị định 39 đang được Bộ KH&ĐT cân nhắc triển khai. Tuy nhiên để đưa chính vào cuộc sống thì sự nỗ lực của một Bộ ngành nào đó là chưa đủ…

Đọc thêm