Hỗ trợ gần gấp đôi học phí cho học viên học nghề ở Quảng Ninh

(PLO) - Thực hiện 3 đột phá chiến lược, cùng với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 140 điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh giai đoạn 2016-2020. 
Các sinh viên thực hành

Mặc dù các sở, ngành, địa phương đã quan tâm triển khai thực hiện, thường xuyên thông tin, tuyên truyền tới người học, song số lượng học sinh tham gia học nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh chưa cao, số người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chưa nhiều.

Tình trạng này xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể, như: Các nghề thuộc danh mục khuyến khích đào tạo chưa đa dạng; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; một số địa phương còn lúng túng trong khâu hướng dẫn, triển khai thực hiện trong khi người dân chưa có nhiều thông tin về chính sách; người học, gia đình và xã hội cũng chưa nhận thức đúng, đủ về học nghề lập nghiệp

Sinh viên lớp công nghệ ô tô của Trường cao đẳng nghề Việt-Hàn thực hành 

Theo đó, 7 nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo được hỗ trợ của tỉnh, gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú, quản trị khách sạn, quản trị khu resort, điều khiển tàu biển, phòng và chữa bệnh thủy sản. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo các nghề khuyến khích, tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh mới chỉ có 9/14 địa phương thực hiện hỗ trợ cho 83 người với kinh phí là trên 270 triệu đồng. 

Theo kết quả khảo sát thực tiễn nhu cầu lao động qua đào tạo tại 223 đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhà đầu tư, cho thấy: Nhu cầu nhân lực tại các doanh nghiệp đến năm 2020 sẽ cần khoảng 24000 người, trong đó người có trình độ cao đẳng khoảng 400 người (chiếm khoảng 2%), người có trình độ trung cấp khoảng 800 người (chiếm trên 3%), người có trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là gần 5000 người (chiếm trên 15%).

Sinh viên Trường cao đẳng Việt Hàn trình bày kỹ thuật chế biến món ăn

Trên cơ sở này, HĐND tỉnh đã điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo, 2 nghề được đưa ra khỏi danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh là nghề quản trị khu resort và phòng, chữa bệnh cho thủy sản, đồng thời bổ sung thêm 5 nghề khuyến khích đào tạo, gồm: Hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, du lịch lữ hành và nghiệp vụ nhà hàng khách sạn.

Thêm điểm mới nữa, bên cạnh cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các học sinh, sinh viên học những nghề này tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ học phí học nghề trình độ cao đẳng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng, trình độ trung cấp bằng 40% mức lương cơ sở/người/tháng. Không chỉ giúp người học tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề, việc điều chỉnh chính sách khuyến khích học nghề của tỉnh đã góp phần tháo gỡ phần nào những khó khăn đang hiện hữu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Sinh viên Trường cao đẳng Việt Hàn tham gia Hội thi tay nghề tỉnh Quảng Ninh 2018

Ông Lưu Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn cho biết: Trường có 3/5 nghề vừa được bổ sung vào danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh. Với mức hỗ trợ 40-50% mức lương cơ sở, người học sẽ được hỗ trợ gần gấp đôi số tiền học phí 1 năm hiện tại của trường.

Không những không mất tiền đóng học phí, người học còn có thêm 1 khoản để trang trải cho chi phí sinh hoạt hằng ngày. Tin rằng, chính sách hỗ trợ ưu đãi như vậy sẽ “kích cầu” được người học, tạo cú huých mới trong công tác tuyển sinh của nhà trường để từ đó trường nâng cao chất lượng đầu vào, tăng chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực, tạo động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm