Lao động bị sa thải có được hỗ trợ?
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể về thời gian nộp hồ sơ và thời gian được tính để hưởng trợ cấp.
Ví dụ: Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào 1/4/2020, tháng 5 mới triển khai thực hiệc việc hỗ trợ theo Nghị quyết, khi đó người lao động nộp hồ sơ thì thời gian được hưởng trợ cấp sẽ được tính như thế nào? Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc bị sa thải, bị kỷ luật buộc thôi việc có được hưởng trợ cấp không?
Tại Điều 10 của Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (QĐ 15), quy định đối tượng được hỗ trợ là: “Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg”.
Theo ông Ngô Văn Quý, quy định này chưa cụ thể, vì có nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể, việc quy định “người trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương” có thể hiểu là Danh sách hộ nghèo, cận nghèo của năm 2019, không phải danh sách người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để thực hiện chính sách năm 2020.
Vì vậy đề nghị Bộ LĐTBXH có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Ngoài ra, đối với các trường hợp nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo phát sinh như: có thêm con dâu về nhà chồng, trẻ mới sinh, bộ đội xuất ngũ... thì có được bổ sung vào danh sách hỗ trợ không?
Ngoài đối tượng có tên trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020 thì đối tượng người có công với cách mạng (nêu tại Điều 9 QĐ 15) bị chết mà thân nhân đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng từ tháng 4/2020 chưa kịp kê khai hồ sơ để Sở LĐ-TB&XH ra quyết định thì có được hưởng chế độ hỗ trợ không? Đối tượng nêu tại Điều 9 QĐ 15 chết trong tháng 4/2020 thì chỉ được hưởng hỗ trợ tháng 4 hay được hỗ trợ một lần 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020) như Nghị quyết 42 đã nêu?
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện, để đảm bảo thống nhất trong thực hiện chính sách. Cụ thể, các địa phương có chuẩn nghèo riêng thì hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo chuẩn nghèo của địa phương.
Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ căn cứ vào danh sách chi trả tháng 4/2020 và chi trả 1 lần để hỗ trợ tháng 4, 5, 6. Vậy trường hợp chết trong tháng 4 trước thời điểm chi trả có được hỗ trợ không và hỗ trợ như thế nào?
Khó tránh khỏi việc chi trả trùng đối tượng
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cho biết đã khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các nhóm đối tượng và dự toán kinh phí hỗ trợ cụ thể trên địa bàn. Theo đó, tỉnh có tổng số 13.023 đối tượng, thời gian hỗ trợ là 03 tháng, với tổng kinh phí là 81.847.250.000 đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, hiện chưa có tiêu chí cụ thể làm căn cứ, cơ sở rà soát, thống kê đối với 2 nhóm đối tượng là “Hộ kinh doanh cá thể” và “Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động” (tại thời điểm thống kê đối tượng có mặt tại địa phương và có hộ khẩu tại địa phương nhưng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại tỉnh khác; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động hộ khẩu nơi khác nhưng có đăng ký tạm trú tại địa phương, tuy nhiên không xác định được mức giảm thu nhập sâu và dưới chuẩn hộ nghèo…), do đó, số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh chưa chính xác, đầy đủ gây khó khăn cho việc xác định giải pháp chi trả để đảm bảo đúng nguyên tắc và kịp thời theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 42.
Sở này cũng đề nghị được giải đáp thắc mắc: đối với hộ kinh doanh, trong hộ có đối tượng bảo trợ xã hội thì hộ được hưởng chính sách đối với hộ kinh doanh, còn thành viên trong hộ có tiếp tục được hưởng chính sách bảo trợ xã hội không? Theo Sở này, việc thực hiện chi trả trùng đối tượng là không thể tránh khỏi, vì người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cũng có thể trong hộ nghèo, cận nghèo, người có công…