Hoạt động hỗ trợ thực hiện vụ việc phức tạp điển hình hoặc có ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội hoặc vì lý do bảo vệ công lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) thời gian qua đã giúp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Qua hoạt động đó, cũng tạo điều kiện cho cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt công việc của mình.
|
Hình minh họa |
Trong năm 2012, theo quy định tại Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam và trên cơ sở yêu cầu, đề xuất của các địa phương, Quỹ đã nhận hỗ trợ cho 235 vụ việc với số kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này là gần 241 triệu đồng.
Năm 2013, để có căn cứ chi hỗ trợ thực hiện vụ việc cho tổ chức TGPL từ nguồn kinh phí của Quỹ, Cục TGPL đã ban hành hướng dẫn tạm thời về các tiêu chí xác định vụ việc TGPL phức tạp, điển hình. Cụ thể, vụ việc TGPL được xác định là phức tạp, điển hình khi đạt chất lượng tốt theo Quyết định số 32/QĐ-TGPL của Cục trưởng Cục TGPL ban hành hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá và xếp loại chất lượng vụ việc TGPL, đồng thời phải có một trong các tiêu chí tùy thuộc vào hình thức TGPL.
Chẳng hạn đối với vụ việc tham gia tố tụng thì là vụ việc cần phải tiến hành xác minh hoặc phải yêu cầu Trung tâm TGPL địa phương khác phối hợp xác minh; vụ việc do người thực hiện TGPL tham gia từ thời điểm người được TGPL bị tạm giữ cho đến khi kết thúc quá trình tố tụng hoặc vụ việc do người thực hiện TGPL tham gia bào chữa ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; vụ việc do người thực hiện TGPL tham gia từ thời điểm người được TGPL khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính cho đến khi kết thúc hòa giải thành hoặc kết thúc xét xử sơ thẩm;
Vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương xác định là án điểm; vụ việc mà người thực hiện TGPL phải trợ giúp cho nhiều đối tượng là người được TGPL trong cùng một vụ án; vụ việc mà người thực hiện TGPL phải trợ giúp cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; vụ việc đã trải qua nhiều cấp xét xử; vụ việc có ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội, được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; vụ việc mà việc áp dụng pháp luật, chính sách có nhiều khó khăn, phức tạp (chưa có quy định pháp luật áp dụng, các quy định pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ…).
Đối với vụ việc đại diện ngoài tố tụng, việc đại diện hoàn thành trong các vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản theo đúng nội dung, phạm vi đã được xác định trong quyết định cử người đại diện ngoài tố tụng. Đối với vụ việc hòa giải là các vụ việc hòa giải thành trong tranh chấp về quyền sử dụng đất, trong tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở, trong tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất, trong vụ án bồi thường thiệt hại về sức khỏe…
Căn cứ vào các tiêu chí trên đây, Quỹ hướng dẫn các Trung tâm TGPL Nhà nước về thủ tục hỗ trợ và thời hạn hỗ trợ kinh phí, bảo đảm kịp thời, đúng mục đích, đồng thời khuyến khích người thực hiện TGPL nâng cao chất lượng vụ việc TGPL.
Trường hợp qua kiểm tra phát hiện các vụ việc đã được hỗ trợ nhưng không bảo đảm các tiêu chí xác định vụ việc phức tạp, điển hình, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước nơi có vụ việc được hỗ trợ có trách nhiệm thu hồi khoản tiền đã hỗ trợ để hoàn trả lại cho Quỹ TGPL Việt Nam.
Công Thành