Hỗ trợ vùng dịch xử lý rác thải y tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng, việc xử lý rác thải tại các khu cách ly và của người nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang là mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân địa phương.
 Chất thải có nguy cơ dịch bệnh đựng trong các thùng màu vàng, được xử lý ngay trong ngày.
Chất thải có nguy cơ dịch bệnh đựng trong các thùng màu vàng, được xử lý ngay trong ngày.

Triển khai các biện pháp cấp bách

Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Y tế, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là rác thải y tế tại các khu điều trị, khu cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế, các điểm chốt phòng dịch.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Cty CP Quản lý Công trình Đô thị Bắc Giang bố trí xe bồn thu gom, vận chuyển trong ngày đối với toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước thải y tế phát sinh của Bệnh viện dã chiến số 2 đến xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải tập trung của TP Bắc Giang hoặc Trạm xử lý nước thải tập trung của các bệnh viện.

Trước khi đưa đi xử lý, Bệnh viện dã chiến số 2 đã bố trí, lắp đặt đường ống hoặc sử dụng téc chứa để khử khuẩn nước thải sinh hoạt và nước thải y tế bằng Clorin viên nén, nồng độ 90% trước khi đưa về bể chứa nước thải tập trung và tiếp tục được khử trùng bằng Clorin.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Cty CP Xử lý tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình (có địa chỉ tại Hà Nội) tích cực phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (XLCT) y tế phát sinh do dịch Covid-19 từ các địa phương, cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly và doanh nghiệp đang bị phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đối với các khu điều trị người mắc Covid-19, toàn bộ chất thải rắn phát sinh được coi là chất thải lây nhiễm, được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại. Cụ thể, chất thải phát sinh phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết, chất thải được ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc thiết bị hấp chất thải lây nhiễm, thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Chất thải được vận chuyển ngay trong ngày đến cơ sở XLCT y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở XLCT nguy hại có chức năng.

Có “ngăn sông, cấm chợ”?

Cty TNHH Dịch vụ Môi trường Anh Đăng (Cty Anh Đăng - xóm Quyết Tiến 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) là đơn vị đang có hợp đồng tiếp nhận, xử lý rác thải y tế với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ngày 18/5, UBND huyện Phú Bình có văn bản tạm dừng nhận xử lý rác để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có nội dung đề nghị Cty Anh Đăng tạm dừng việc tiếp nhận, xử lý rác thải đối với các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng công ty thuộc địa bàn khác ngoài tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương, vùng có dịch.

Ngày 20/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Văn bản 2270/UBND gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị tiếp tục thu gom rác thải để phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản ghi rõ: “Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có ý kiến chỉ đạo đối với UBND huyện Phú Bình để cho phép Cty Anh Đăng được tiếp tục tiếp nhận, thu gom và xử lý rác thải đối với các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng trên tỉnh Bắc Giang, trong đó có nguồn rác thải từ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh”.

Ngày 21/5, Bộ TN&MT có Công văn 2743/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp trong XLCT y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở XLCT nguy hại có chức năng XLCT y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ XLCT y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực XLCT y tế hoặc không đủ hạ tầng XLCT y tế. Các địa phương có cơ sở XLCT nguy hại cần tạo điều kiện hỗ trợ XLCT y tế khi có đề nghị từ các địa phương khác nhưng vẫn phải đảm bảo công tác XLCT y tế tại địa phương mình. Các cơ sở có chức năng XLCT y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc XLCT y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép nhưng vẫn phải đảm bảo công suất XLCT đã được cấp phép và công tác XLCT y tế tại địa phương mình.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, ngày 27/5/2021, Bộ TN&MT đã bổ sung thêm 3 cơ sở có chức năng XLCT y tế tại một số địa phương, nâng số cơ sở này lên 100 đơn vị trên toàn quốc. Trước đó, danh sách 77 cơ sở thuộc diện XLCT nguy hại và có chức năng XLCT y tế được Bộ gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện tại, 2 tỉnh tâm dịch là Bắc Giang và Bắc Ninh đang có 6 cơ sở xử lý. Các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình cũng có 3 cơ sở xử lý mỗi tỉnh (tổng cộng là 15 cơ sở) có chức năng XLCT y tế.

Đọc thêm