Là đứa con của một gia đình có cha mẹ là cán bộ miền Nam tập kết, tôi đã từng nghe kể những câu chuyện về ngày ra Bắc, cha rưng rưng giơ hai ngón tay hẹn với bà nội tôi rằng 2 năm nữa sẽ trở về, mẹ gửi lại bà ngoại cho người em cũng với lời hẹn 2 năm gặp lại. Nhưng rồi ước mơ hòa bình đã bị lật lọng, 2 năm đã thành hơn 20 năm đằng đẵng, xa ngái. Để mỗi đêm giao thừa trên đất Bắc, cha mẹ tôi rưng rưng hướng về miền Nam thương nhớ, đau đáu nỗi niềm liệu có còn gặp lại được người thân. Để ngày 30/4/1975 khi cả đất nước vỡ òa tin chiến thắng, thì cha mẹ tôi cũng vỡ òa nước mắt mừng vui khi ngày trở về quê hương miền Nam yêu dấu đã đến rất gần.
Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình người Việt Nam khác, chiến tranh đã hằn sâu trong từng xúc cảm, từ nỗi buồn ly tán, cơn đau mất mát và cho đến ngày hôm nay vẫn là sự khắc khoải tìm người. “Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau, đi mãi mãi không về/Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”(1). Một người chú của tôi đã mãi mãi nằm lại đâu đó nơi chiến trường và những người mong chờ ngày chú “trở lại” với quê hương cũng đã dần dần không còn đợi được nữa…
***
Những ngày này, không riêng gì gia đình tôi, mà ở cả ba miền đất nước, tràn ngập những hoài niệm và niềm vui đan xen. Với người Hà Nội, ngày thống nhất đất nước không chỉ là một ngày lễ lớn, mà là khoảnh khắc để sống lại tinh thần yêu nước trầm lặng, sâu sắc và kiêu hãnh. Một cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bùi ngùi chia sẻ: “Khi nghe tin giải phóng, chúng tôi khóc mà không nói được lời nào. Đất nước liền một dải, là ước mơ mà cả một thế hệ đã sống và ngã xuống vì nó”.
Huế - vùng đất cố đô đón ngày thống nhất bằng những tiếng chuông chùa, lễ thả hoa đăng trên sông Hương và cả những câu hò nhẹ ru lòng người. “Ngày ấy, Huế như vỡ òa. Người dân tràn ra đường, cầm cờ đỏ, nước mắt giàn giụa. Hòa bình đến sau bao năm chịu đựng chia cắt, mất mát”, ký ức này nào có thể quên trong lòng mỗi người dân Huế.
Không đâu cảm nhận rõ rệt không khí của ngày 30/4 như tại thành phố mang tên Bác, nơi từng là điểm kết thúc của chiến dịch lịch sử và khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh/Ôi hạnh phúc biết bao bao năm vẫn đợi chờ/Mà niềm vui như đến bất ngờ/Ngày đi như trong đêm mơ/Tuổi lớn rồi mà như ngây thơ/Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa/Hay ta đi giữa rừng cờ”(2).
Mỗi năm cứ vào dịp tháng 4, những tuyến phố chính như Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… lại rợp cờ đỏ, ánh đèn, tiếng nhạc vang lên từ loa phát thanh, như một lời nhắc nhớ không quên. Lễ kỷ niệm không hề là hình thức, mà là những lát cắt sống động cho một ký ức tập thể, như lời sẻ chia của một công dân trẻ của thành phố: “30/4 với tôi vừa là ngày lễ, vừa là ngày biết ơn, là ngày cả nhà sum vầy, vừa xem phim tài liệu về chiến tranh, vừa kể cho con nghe về ông nội từng là biệt động Sài Gòn”.
Có thể nói dù ở Hà Nội, Huế, hay TP HCM - dù là thế hệ chiến binh, thế hệ hòa bình hay công dân số - thì ngày 30/4 vẫn là một ngày không thể thiếu trong mạch sống tinh thần người Việt. Bởi đó là niềm tự hào về một dân tộc đã vượt qua chiến tranh, là lòng biết ơn với những người đã ngã xuống, là sự tỉnh thức để trân trọng hơn hòa bình hôm nay. Và là lời hứa thầm lặng rằng: thế hệ sau sẽ tiếp nối xứng đáng. “Ngày 30/4 không chỉ là sự kiện lịch sử. Đó là cảm xúc. Là máu thịt. Là sự đoàn viên của một dân tộc từng chịu chia cắt”, một nhà sử học người Huế đã từng chia sẻ.
***
Tôi biết đọc từ rất sớm khi còn chưa đến trường. Cô giáo dạy đọc của tôi là mẹ tôi. Cuốn truyện tranh đầu đời tôi tự đọc, mà đến giờ tôi vẫn nhớ mang tên: “Người cập rằng hầm xay lúa”. Còn nhỏ nên nhìn bức tranh mô tả tên cai ngục dùng roi đánh đập những tù nhân gầy gò đến tóe máu thịt da, tôi rất sợ, thường bỏ qua không đọc những trang đó. Nhưng mẹ nghiêm khắc yêu cầu tôi đọc hết cuốn truyện. Có một buổi sáng, mẹ đã đánh tôi một roi vì tội cãi lời.
Tối hai mẹ con nằm thủ thỉ với nhau trên chiếc phản kê ngoài hiên phủ đầy ánh trăng, mẹ vuốt tóc tôi: “Sáng nay mẹ đánh con có đau không? Con có biết vì sao mẹ đánh con không?”. Tất nhiên đứa trẻ là tôi lúc đó làm sao hiểu ý nghĩ sâu xa của người lớn, ngoài chuyện mình không nghe lời. “Mẹ đánh con vì cuốn truyện đó rất hay, mẹ muốn con đọc hết, không bỏ qua trang nào, để rồi dần dần con sẽ hiểu về công lao của những người anh hùng, để mẹ con mình có cuộc sống yên bình hôm nay. Con nên biết đạo hiếu là đạo làm người, nhưng chỉ hiếu với mẹ cha chưa đủ. Hiếu lễ với đất nước, với nguồn cội, đó chính là đạo nhà của người Việt”. Lúc đó, vì còn quá nhỏ nên tôi chưa thể hiểu hết lời mẹ nói. Chỉ biết rằng, sau đó tôi đã thuộc lòng cuốn truyện tranh và không còn khiếp sợ những hình ảnh trong đó nữa.
Khi lớn lên, học lịch sử đất nước, hiểu thêm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, về hầm xay lúa nơi địa ngục trần gian Côn Đảo và khi có dịp đặt chân lên Côn Đảo tôi hiểu ra những lời mẹ nói với tôi năm nào dưới ánh trăng đêm. Ở Côn Đảo, trên những bức tường rêu phong, những mầm cây xanh đang tiếp tục đâm chồi như khẳng định khát vọng tự do, sức mạnh trường tồn dân tộc Việt.
***
Hòa bình không bao giờ là điều hiển nhiên. Ngày hôm nay, khi thế giới vẫn còn những vùng đất chìm trong chiến sự, mỗi người Việt càng hiểu rõ hòa bình là giá trị thiêng liêng cần gìn giữ bằng trí tuệ, lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết.
Người Việt Nam đều rất yêu hòa bình và luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền hòa bình ấy. Ngày 30/4 là một dịp để không chỉ nhớ lại quá khứ, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: hòa bình không phải là món quà được tặng, mà là thành quả được giữ gìn; là dịp để soi sáng tương lai - một tương lai nơi mỗi con người đang sống đều biết trân trọng lịch sử, giữ gìn độc lập dân tộc và chung tay phát triển đất nước hùng cường. Hòa bình là ước mơ của người đã mất. Trách nhiệm của người đang sống là giữ lấy và làm cho nó đẹp hơn.
Cách đây 50 năm, chuyến tàu đầu tiên của tự do, của thống nhất đất nước từ đất liền ra Côn Đảo đã được giải phóng, hỏi Côn Đảo cần gì. Rằng, Côn Đảo cần tấm ảnh Bác Hồ. Năm 2025, hỏi công dân trẻ của Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Lý Sơn… rằng mong muốn điều gì nhất. Mong một lần về thăm lăng Bác, một lần đứng chào lá cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình lộng gió. Đạo hiếu - đạo nhà mà mẹ tôi đã dạy và của người Việt Nam là vậy!
(1) Lời ca khúc “Miền xa thẳm” của nhạc sĩ Đức Trịnh.
(2) Lời ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng.