Nghệ thuật tái chế - Hơi thở mới từ những điều cũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi lối sống xanh lên ngôi cũng là lúc nghệ thuật tái chế ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống văn hóa. Từ những tác phẩm đơn lẻ, nghệ thuật tái chế đã dần trở thành một xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp sáng tạo mà còn “thổi hồn” vào những vật liệu cũ bị lãng quên, mang đến cho chúng một hơi thở mới đầy ý nghĩa.
Triển lãm “Chạm một nét hoa” lan tỏa ý nghĩa sử dụng vật liệu tái chế trong hội họa. (Ảnh: VOV1)
Triển lãm “Chạm một nét hoa” lan tỏa ý nghĩa sử dụng vật liệu tái chế trong hội họa. (Ảnh: VOV1)

Thông điệp từ “Kỷ nguyên nhựa”

Những ngày cuối tuần, phố Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở nên nhộn nhịp hơn thường lệ khi có hàng dài người xếp hàng trước Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản - địa điểm diễn ra triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa” của nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng quốc tế Fuji Hiroshi. Triển lãm là nơi trưng bày các tác phẩm lắp ghép khủng long và động vật đầy màu sắc, được chế tác tỉ mỉ từ hàng chục nghìn món đồ chơi nhựa với đủ kích thước, kiểu dáng. Trong đó, có nhiều món đồ chơi quen thuộc như các nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, bao gồm Doraemon, Pikachu, Hello Kitty…

Điểm đặc biệt của triển lãm nằm ở vật liệu, tất cả đều là đồ chơi nhựa bị vứt bỏ được thu thập từ khắp Nhật Bản. Dưới bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng của nghệ sĩ, những món đồ chơi bằng nhựa bị lãng quên bỗng được tái sinh thêm vòng đời mới trở thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, “Kỷ nguyên nhựa” không chỉ đơn thuần là một triển lãm nghệ thuật, mà còn gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về thực trạng rác thải nhựa trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức và hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa.

Nói về nguồn cảm hứng, nghệ sĩ Fuji Hiroshi - người được biết đến với cách sử dụng đầy sáng tạo các vật liệu tái chế cho biết, trong quá trình thực hiện dự án “Kaekko Bazar” - một nền tảng trao đổi đồ chơi, ông đã thu thập hơn 50.000 món đồ chơi nhựa từ trẻ em. Nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ của rác thải nhựa và tác động tiêu cực của nó đến môi trường. Người nghệ sĩ với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng đã bắt đầu hành trình biến những món đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật, truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường và trách nhiệm tiêu dùng.

Xưởng Tái Sinh - công trình độc đáo ở Hội An. (Ảnh: Nguyễn Quốc Dân)

Xưởng Tái Sinh - công trình độc đáo ở Hội An. (Ảnh: Nguyễn Quốc Dân)

Theo nghệ sĩ Fuji Hiroshi, “Kỷ nguyên nhựa” chính là mối liên hệ mạnh mẽ giữa nhựa, chất liệu phổ biến để sản xuất đồ chơi với nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ sự sống thời tiền sử, bao gồm cả khủng long. Thông qua mối liên hệ đặc biệt, ông khuyến khích người xem suy ngẫm về vai trò của nhựa trong cuộc sống và tác động của chúng đối với hành tinh. “Lượng rác thải khổng lồ mà chúng ta tạo ra vẫn luôn tồn tại, chỉ là khuất khỏi tầm mắt. Qua tác phẩm của mình, tôi muốn khiến vấn đề “vô hình” này trở nên to lớn đến mức không thể phớt lờ, để người xem phải dừng lại và suy ngẫm”, Fuji Hiroshi chia sẻ.

Với trải nghiệm thị giác ấn tượng cùng thông điệp ý nghĩa, triển lãm thu hút đông đảo công chúng, nhất là các bạn trẻ đến tham quan và trải nghiệm. H.Giang (24 tuổi, Hà Nội) đã quay lại triển lãm lần thứ hai với mong muốn chiêm ngưỡng các tác phẩm một cách tỉ mỉ. “Ở lần đầu tiên đến với triển lãm, tôi choáng ngợp trước sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ những món đồ chơi nhựa tưởng chừng như vô dụng lại có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật đầy sống động. Đến lần thứ hai, tôi quay lại với mong muốn nhìn ngắm kỹ hơn từng chi tiết và cảm nhận rõ hơn thông điệp tác giả muốn truyền tải”, H.Giang chia sẻ.

Không chỉ Giang, nhiều bạn trẻ cũng đến với triển lãm vừa để thưởng thức nghệ thuật, vừa để tìm hiểu về tác động của rác thải nhựa đối với môi trường. Đặc biệt, vì là triển lãm về đồ chơi nên bên cạnh người lớn, triển lãm còn có sự xuất hiện của nhiều bạn nhỏ được bố mẹ dẫn đến tham quan. Đây cũng chính là ý đồ được nghệ sĩ Fuji Hiroshi cài cắm trong dự án lần này, theo ông: “Trẻ em có thể chưa nhận thức đầy đủ về tác động tiêu cực của nhựa đối với môi trường, nhưng tôi hy vọng qua triển lãm này, các em sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề ô nhiễm và hình thành ý thức bảo vệ môi trường ngay từ sớm”.

Triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa” chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ về lối sống bền vững. Bằng cách tiếp cận gần gũi, giàu tính nghệ thuật, thông điệp từ các tác phẩm của nghệ sĩ Fuji Hiroshi đã “chạm” đến cộng đồng, khuyến khích mọi người thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm thiểu rác thải nhựa và cùng nhau hành động vì một môi trường xanh, sạch, bền vững.

Khẳng định dòng chảy nghệ thuật tái chế

Trước triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa”, công chúng Việt Nam đã nhiều lần được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tái chế dưới nhiều hình thức thể hiện đa dạng, độc đáo. Đơn cử như công trình Xưởng Tái sinh của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, nơi được đánh giá là một trong những công trình sáng tạo độc đáo ở Hội An. Gọi là Xưởng Tái Sinh bởi đây là công trình được xây dựng hoàn toàn từ tôn phế liệu với thiết kế đặc biệt ấn tượng.

Mọi chi tiết, từ cánh cổng đến túi xách, bàn ghế, đèn lồng, tượng nghệ thuật… đều được tái sinh từ những vật dụng bỏ đi như thùng phuy, thau nhôm, mannequin, chai lọ, lưới cũ… Không chỉ đơn thuần mang đến một diện mạo mới cho rác thải, nơi đây còn khắc họa những câu chuyện về sự sống, môi trường, văn hóa, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về tái chế và lối sống bền vững. Cũng chính vì thiết kế đặc biệt này mà Xưởng Tái Sinh trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, những người yêu nghệ thuật và quan tâm đến môi trường.

Chưa hết, nghệ thuật tái chế còn xuất hiện trong cả âm nhạc, cách đây 3 tuần, chương trình nghệ thuật “Hoa và Rác” đã làm lay động trái tim của nhiều khán giả yêu nghệ thuật và môi trường khi khi lấy chủ đề về tình hình môi trường của trái đất đang bị ô nhiễm nặng nề. Đêm nhạc khéo léo nhắn gửi nhiều thông điệp ý nghĩa đến công chúng thông qua các chương: Tình quê hương, Rải và nhặt, Môi trường muôn sắc, Hoa và rác. Từng chương trong đêm nhạc gây ấn tượng với sự góp mặt những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy như Mùa xuân đầu tiên, Tình hoài thương, Sắc màu, Những ngày yêu dấu tan theo, Tình ta là thác đổ… Đáng chú ý, những đạo cụ sử dụng trong chương trình đều được làm từ phế liệu, tạo nên điểm nhấn sáng tạo và truyền tải mạnh mẽ thông điệp của chương trình.

Triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa”. (Ảnh: PV)

Triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa”. (Ảnh: PV)

“Hoa và Rác” không chỉ là chương trình nghệ thuật, mặt khác còn là lời kêu gọi chung vì một môi trường sống xanh, sạch và bền vững cho cộng đồng trong và ngoài nước. Trước đó, “Hoa và Rác” đã được trình diễn thành công tại hội trường Trịnh Công Sơn của Đại học Văn Lang với hơn 2.000 khán giả vào ngày 10/10/2024 và tại Nhà hát Sông Hương, Huế trong hai đêm 14 - 15/12/2024.

Còn với hội họa, vào tháng 4/2024, triển lãm tranh “Chạm một nét hoa” đã được tổ chức với sự quy tụ của hơn 30 họa sĩ từ khắp cả nước, cùng chung khát vọng bảo vệ môi trường thông qua nghệ thuật. Triển lãm hội họa tôn vinh sự sáng tạo, cũng như lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của việc sử dụng vật liệu tái chế trong hội họa. Thay vì toan vẽ thông thường, các họa sĩ đã tận dụng vải vụn để tạo nên những tác phẩm đầy màu sắc, góp phần giảm thiểu rác thải từ ngành công nghiệp dệt may.

Triển lãm “Chạm một nét hoa” giới thiệu 30 bức họa độc đáo, mỗi bức đều là một góc nhìn đa chiều về nghệ thuật và môi trường, được thể hiện tỉ mỉ trên khung canvas ghép từ vải vụn. Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, các bức tranh còn phản ánh cá tính nghệ thuật riêng biệt của thế hệ họa sĩ trẻ Gen Z, tạo nên một không gian triển lãm đầy sáng tạo và ý nghĩa.

Có thể thấy, với sự đa dạng trong hình thức biểu đạt, từ hội họa, điêu khắc, kiến trúc đến âm nhạc, mỗi loại hình đều mang đến cho công chúng những góc nhìn sâu sắc hơn về mối liên hệ giữa nghệ thuật và môi trường. Các tác phẩm không dừng lại ở giá trị thẩm mỹ mà còn gợi mở những suy ngẫm về trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường thông qua lối sống bền vững. Qua đó, dòng chảy nghệ thuật tái chế dần khẳng định vị thế như một xu hướng sáng tạo mang tầm vóc toàn cầu, phản ánh xu hướng phát triển bền vững trong nghệ thuật đương đại.