Hòa Bình: Phát huy vai trò người có uy tín trong đảm bảo an ninh trật tự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với kinh nghiệm, hiểu biết về thực tế tại địa phương, trong những năm qua, những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đóng góp hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Những người có uy tín như ông Sùng A Dếnh góp phần giúp các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Công an xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở cơ sở.
Những người có uy tín như ông Sùng A Dếnh góp phần giúp các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Công an xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở cơ sở.

Coi con cháu của người khác như con cháu mình

Hiện đã gần 80 tuổi, về hưu đã lâu nhưng trong nhiều năm qua, ông Sùng A Dếnh (ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) vẫn không ngơi chân, ngơi tay.

Bên cạnh việc hỗ trợ con cháu chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn là nhân tố tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

Xóm Thung Mặn là địa bàn vùng cao, với trên 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống và trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật của bà con còn hạn chế.

Từng là Bí thư đảng ủy xã, hiểu rõ tình hình tại địa phương nên ông Sùng A Dếnh luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của xóm, bản, khu dân cư về an ninh trật tự.

Đồng thời, ông cũng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở những người xung quanh nắm được các quy định, không để những đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội.

“Là những già làng, người có uy tín, chúng tôi thấy rằng mình phải có trách nhiệm trong việc cùng với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng giữ gìn an ninh, trật tự ở thôn bản, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Sùng A Dếnh cho biết.

Với tâm niệm như vậy, nhiều năm qua, ông Sùng A Dếnh tích cực cùng trưởng các dòng họ khác trong xã trực tiếp đến từng nhà vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện.

Đến nay, tổng cộng, ông đã vận động được 23 lượt người nghiện ma túy tự giác đi cai nghiện. Ông Sùng A Dếnh cũng đã tham gia vận động được nhiều đối tượng truy nã liên quan đến ma túy ra đầu thú.

Trong đó, ông đã trực tiếp gặp gỡ, vận động được đối tượng Hờ A Của (ở xóm Thung Mặn, bị Công an tỉnh Sơn La phát lệnh truy nã đặc biệt về tội mua bán trái phép 30 bánh heroin) ra đầu thú.

“Chúng tôi luôn coi con cháu của mọi người như con cháu của mình để tuyên truyền, vận động, không để các cháu sa ngã, hoặc nếu đã sa ngã rồi thì đầu thú để được hưởng sự khoan hồng”, ông cho hay.

Cùng với đó, ông Sùng A Dếnh cũng tích cực vận động người dân giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn…

Thông qua việc thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con xung quanh, ông đã góp phần giúp các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Công an nắm tình hình, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, vụ việc gây mất ổn định, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở cơ sở.

Ông Sùng A Dếnh.

Ông Sùng A Dếnh.

Với những đóng góp như vậy, ông Sùng A Dếnh đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, trong đó mới nhất, vào tháng 7/2023, ông được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận, giai đoạn 2018-2023.

Góp phần mang lại sự bình yên cho quê hương

Theo thống kê, trong giai đoạn 2023 - 2027, toàn tỉnh Hòa Bình có 1.276 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận.

Ông Hà Ngọc Tuấn - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình khẳng định, trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với kinh nghiệm, hiểu biết về thực tế tại địa phương, bằng những việc làm cụ thể đã phát huy rất tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Đồng thời, những người có uy tín tại tỉnh Hòa Bình cũng rất gương mẫu triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Trong 5 năm từ 2018 đến 2023, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình đã cung cấp gần 1.000 tin báo liên quan đến an ninh trật tự. Qua đó, góp phần giải quyết ổn định 231 vụ việc phức tạp liên quan đến tình hình an ninh nông thôn, an ninh trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Bên cạnh đó, những người có uy tín là chức sắc, chức việc trong tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn rất tích cực trong việc hướng dẫn, vận động tín đồ chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Họ cũng thường xuyên phát huy tinh thần cảnh giác và chủ động, tích cực tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền đấu tranh, phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông Hà Ngọc Tuấn, tỉnh Hòa Bình hiện có dân số hơn 87 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,43%, bao gồm dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Mông và một số dân tộc khác.

Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Theo đó thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đi, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư đồng bộ hơn.

Đọc thêm