Hòa Bình tăng cường các giải pháp thực hiện chính sách dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình mới ban hành Kết luận số 955-KL/TU về Tăng cường các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2025.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: PV
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: PV

Nhiều kết quả tích cực

Kết luận nêu rõ, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong đó, bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình được kiện toàn, thành lập kịp thời, đảm bảo về thành phần, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, hoạt động ổn định, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, nhất là ở địa bàn khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Theo Kết luận của BTV tỉnh uỷ Hoà Bình, tính đến ngày 31/10/2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 đã giải ngân là 417.757 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 272.231 triệu đồng, đạt 42,82% kế hoạch giao; vốn sự nghiệp là 145.526 triệu đồng, đạt 24,2% kế hoạch giao.

“Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình và các nguồn vốn khác toàn tỉnh đã có 08/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm”, Kết luận nêu rõ.

Tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhóm giải pháp

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng DTTS&MN; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS…

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS&MN để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tiếp tục nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã, mô hình khởi nghiệp tại vùng đồng bào DTTS&MN.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình cũng yêu cầu rà soát thực trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng gắn với hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn, tiếp tục triển khai Đề án cứng hóa giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp.

Huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; đầu tư hạ tầng phục vụ dạy và học; đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm y tế vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả đề án giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh, tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các DTTS trong tỉnh gắn với phát triển du lịch.

Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trong việc giám sát, phản biện quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đặc biệt là sự tham gia của người dân để hỗ trợ cho việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm