Hiệu quả bước đầu từ chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Hoà Bình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc. Việc thực hiện các dự án này bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hoà Bình tích cực triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn ảnh: baochinhphu.vn
Hoà Bình tích cực triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn ảnh: baochinhphu.vn

Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 tỉnh Hoà Bình.

Theo UBND tỉnh Hoà Bình, nhu cầu kinh phí theo Đề án sử dụng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 326.635 triệu đồng, trong đó, các hoạt động do các huyện thực hiện, kinh phí 166.766 triệu đồng; các hoạt động do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thực hiện, kinh phí 159.869 triệu đồng.

Kinh phí thực hiện 2022 – 2023 là 46.487 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 32.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp 14.487 triệu đồng. Hỗ trợ khảo sát kiểm kê, sưu tầm tư liệu di sản văn hoá 2 cuộc; 1 lễ hội truyền thống; tập huấn 360 lượt người về truyền dạy văn hoá phi vật thể; 5 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn bản; 3 điểm hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; 2 công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia; 150 công trình sửa chữa nhà văn hoá, nhà sinh hoạt công trình; hỗ trợ mua sắm thiết bị 246 thôn, bản.

Kết quả, đến ngày 30 tháng 9 năm 2023, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân được 14.429 triệu đồng, đạt 45,09%; vốn sự nghiệp giải ngân 8.310 triệu đồng đạt 57,36%.

Đối với Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, nhu cầu kinh phí theo Đề án sử dụng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 1.178.961 triệu đồng.

Kinh phí thực hiện 2022 – 2023 là 211.326 triệu đồng, vốn sự nghiệp. Hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp phát triển rừng 45.983 ha; hỗ trợ phát triển sản xuất, chuỗi sản xuất 282 dự án, mô hình; thúc đẩy khởi sự kinh doanh 98 mô hình. Đầu năm 2023, đã bố trí 10.000 triệu đồng để thực hiện Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện Đà Bắc, tuy nhiên qua khảo sát của huyện Đà Bắc diện tích đất để phát triển vùng trồng dược liệu quý không đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế nên chưa triển khai được, do đó đã phải điều chuyển vốn đầu tư đã bố trí năm 2023 là 10.000 triệu đồng sang cho dự án khác.

Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2023 đã giải ngân vốn sự nghiệp 12.909 triệu đồng, đạt 6,11%. Bên cạnh đó, trong 2 năm 2022 và 2023 đã phân bổ kinh phí để thực hiện các nội dung của Dự án, tập trung vào hỗ trợ bảo vệ rừng và hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế phát triển sản xuất.

Còn Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp có công của lĩnh vực dân tộc, nhu cầu kinh phí theo Đề án sử dụng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 1.017.907 triệu đồng. Kinh phí thực hiện 2022 – 2023 là 484.155 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển 455.366 triệu đồng, vốn sự nghiệp 28.789 triệu đồng.

Dự án sẽ hỗ trợ đầu tư tổng số 331 công trình, trong đó: 89 công trình Nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 172 công trình giao thông (đường ngõ xóm, nội đồng); 46 công trình đường trung tâm xã, đường liên xã; 12 công trình chợ; 150 công trình sửa chữa nhà văn hoá, nhà sinh hoạt công trình; 7 công trình thuỷ lợi; 05 công trình y tế.

Đến ngày 30 tháng 9 năm 2023, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 149.410 triệu đồng, đạt 32,5%; vốn sự nghiệp 5.254 triệu đồng đạt 18,25%.

Dự kiến đến năm 2025 bằng nguồn lực của Chương trình và lồng ghép huy động được các nguồn lực khác sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số xã có điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng phục vụ nhân dân; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Tuy nhiên, hệ thống đường giao thông nông thôn tại các xã đặc biệt khó khăn mặc dù đã được đầu tư từ giai đoạn trước đã bị xuống cấp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu về đầu tư hệ thống đường giao thông là rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn chế, nhất là nhu cầu đầu tư nâng cấp các tuyến đường có tính chất liên vùng, liên huyện, liên xã, các tuyến đường cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm