(PLO) - Ông Ngô Trung Chính – Giám đốc công ty CP Công nghệ bể bơi, là người trực tiếp giám sát phương pháp này xác nhận với PLVN: hợp chất rắc xuống bể bơi Cầu Giấy là Clohydric. "Công ty chúng tôi đã sử dụng hợp chất này cho nhiều bể bơi tại Hà Nội", ông Chính khẳng định.
Như PLVN phản ánh, đoạn clip ghi lại hình ảnh Trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy không thay nước bể bơi mà đã dùng hợp chất "biến" nước bẩn thành nước trong vắt khiến độc giả "dậy sóng".
Chiều ngày 21/5, PLVN đã có buổi làm việc với lãnh đạo của Trung tâm này.
|
Ông Trần Huy Cương - Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy |
Ông Trần Huy Cương - Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy cho biết, việc dùng hóa chất để làm sạch nước của bể bơi là phương pháp được phía Trung tâm vận dụng mấy năm nay. Phương pháp này tiết kiệm rất nhiều so với việc thay nước và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bơi.
Ông Cương nói: "Thật ra, nếu dùng phương pháp thay nước thì sẽ đắt hơn với phương pháp chúng tôi đang áp dụng khoảng hơn 9 triệu đồng so với bể của Trung tâm chúng tôi. Chúng tôi làm với quy trình này nước phải đảm bảo độ trong và không có hại đến sức khỏe. Sau khi chúng tôi xử lý nước xong thì sẽ có một số đoàn y tế của quận sẽ xuống kiểm tra, đạt yêu cầu thì chúng tôi mới được phép hoạt động”.
Ông Ngô Trung Chính – Giám đốc công ty CP Công nghệ bể bơi, người trực tiếp giám sát phương pháp nàycho biết, loại hợp chất đó là Clohydric. Công ty ông Chính đã sử dụng cho nhiều bể bơi tại Hà Nội và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người bơi.
“Ban đầu chúng tôi sẽ hút sạch rêu bám vào bể, sau đó là xử lý sốc. Khi máy bơm chạy qua tất cả những chất bẩn sẽ được giữ lại ở máy bơm hoặc nó sẽ chìm lắng. Tỷ lệ để diệt rêu tảo thì bao giờ clohydric cũng phải ở mức độ 3 phẩy. Nếu luôn duy trì ở mức độ này thì rêu bẩn sẽ chết và rêu tảo chết sẽ giữ lại trong cái lọc. Sau khi xử lý sốc, chúng tôi tiếp tục dùng Clohydric ở mức độ thấp hơn. Theo quy định của y tế thì nồng độ chỉ có từ 0,4 – 0,6 BDA. Hiện không có tiêu chuẩn riêng cho bể bơi nên mình chỉ dùng mức tiêu chuẩn của nước sinh hoạt thông thường. Như vậy là có 2 quy trình khác nhau. Cái xử lý ban đầu là xử lý sốc để diệt rêu tảo với hàm lượng clo rất cao. Khi các rêu tảo chết thì clo sẽ bị mất đi và ánh nắng cũng làm cho clo mất đi”. Ông Chính khẳng định.
Ông Chính cũng cho biết, với phương pháp này có thể xử lý nhiều loại nước bẩn khác nhau để thành nước sạch dùng được. Vì thế mà phương pháp này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bơi.
"Người trong cuộc" thì giãi bày như vậy, còn ngành y tế và khoa học nói gì về việc sử dụng Clohydric làm sạch nước bể bơi?
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.