Đó là một hành trình không được mong đợi của Rebecca tới một đất nước Trung Đông xa lạ. Ngồi sau một chiếc Land Rover cáu cạnh, lao vun vút trên đường phố Beirut, cô chỉ còn biết nhắm mắt và nghĩ tới mẹ.
Mẹ cô đã cảm nhận về sự bất trắc của chuyến tham dự cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới này, bắt Rebecca phải hứa rằng, trong bất cứ trường hợp nào, sẽ không lên xe với những người đàn ông xa lạ. Nhưng cô đã không thể giữ được lời hứa với mẹ chỉ bởi, cô gần như bị bắt cóc ngay khi vừa hạ cánh xuống Beirut.
Tại sân bay, hai người đàn ông vạm vỡ đón chào cô cùng một chiếc ô tô đầy súng ống, có đúng một câu : “Cô sẽ đi với chúng tôi”.
Những gì Rebecca đã trải qua trong những giờ đầu tiên đó không phải là điều được vẽ ra trong một tin nhắn cô nhận được trên Facebook. Đó là một lời mời từ một người phụ nữ tự giới thiệu là Asra Khan. Bà ta thuyết phục cô đại diện cho Australia tại một lễ hội sắc đẹp rất có danh tiếng: Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hòa bình và Nhân đạo.
Tiến sĩ Khan và "Tổng thư ký" của Hội đồng Nhân quyền quốc tế (IHRC) ở bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc |
Cuộc thi ‘có’ mà ‘không’
Những giải thưởng tiền mặt lên tới vài triệu USD cùng cơ hội được tranh tài với những nhan sắc tới từ hơn 75 quốc gia khác nhau là lời quảng cáo khó có thể từ chối với bất cứ cô gái nào, nhất là khi cuộc thi lại do Hội đồng Nhân quyền quốc tế (IHRC) – được mô tả là một tổ chức quốc tế rất lớn và có uy tín - điều hành.
Nhưng nếu xét kỹ hơn một chút, những nghi vấn bắt đầu xuất hiện. Lời quảng cáo có cánh cũng không thể che giấu được những lỗi chính tả hay phát âm, thư mời được gửi đi bằng một tài khoản Gmail cá nhân, và không ai có thể đứng ra xác nhận danh tính cũng như uy tín của IHRC.
David Allen – cựu nhân viên của Cơ quan Cảnh sát Liên bang Australia trong 30 năm, người hiện tại đang là cố vấn về các vấn đề an ninh trên mạng - tỏ ra bất ngờ trước những lời quảng cáo và thực tế những gì mà IHRC đã làm trong cuộc thi sắc đẹp này.
“Đó thực sự là một trang web hấp dẫn, cuốn hút từ cách thiết kế tới câu từ sử dụng” - David Allen giải thích. “Bề ngoài có thể thấy đây là một tổ chức ngoại giao cỡ bự nhưng nếu thực sự chú ý, có thể thấy nhóm này chả làm được việc gì cả.”
David Allen chỉ ra những bức ảnh của ít nhất một thí sinh đã xuất hiện đâu đó trên mạng với một cái tên khác, trong một cuộc thi khác. Chưa hết, “Chủ tịch Thế giới” của Hội đồng Nhân quyền quốc tế – một chức vụ nhiều khả năng là tự phong, là Tiến sĩ Muhammed Shalid Amin Khan, người đồng thời là chồng của bà Asra Khan. Bà Khan thì được ghi danh là “Ngoại trưởng” của tổ chức này.
Danh tiếng mập mờ, những thành tích được thổi phồng, trang web này còn giới thiệu một loạt ảnh của Tiến sĩ Khan đang bắt tay, nói chuyện với các cựu chính trị gia tại một vài địa điểm ở Guinea Bissau và Lebanon. Cũng có vài tấm ảnh cho thấy Khan đứng bên ngoài trụ sở LHQ ở New York hay một bức selfie của ông, rất có thể được chụp tại khu vực dành cho khách mời ở phòng họp lớn của LHQ.
CEO của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hòa bình và Nhân đạo bà Asra Khan - đồng thời là "Ngoại trưởng" của Hội đồng Nhân quyền quốc tế
|
IHRC còn tiếp tục “nổ” trên trang web với tuyên bố có “quan hệ đối tác” với LHQ. Allen nhận xét: “Với tôi thì mặc dù Tiến sĩ Khan cố tỏ ra là một nhà ngoại giao thuộc hàng cao cấp trên thế giới nhưng ông ấy chẳng cho thấy chỗ đứng của mình, và nhóm của ông ta chẳng được ai cấp phép cả.”
Ngay cả LHQ cũng nhanh chóng bác bỏ bất cứ sự dính líu nào tới Tiến sĩ Khan cùng nhóm mà ông này dựng lên. Người phát ngôn của LHQ trong một tuyên bố với đài SBS của Australia xác nhận: “IHRC không có liên hệ nào với LHQ, cả về chính thức hay qua bất cứ một bên thứ ba nào.”
Những cô hoa hậu tự phong
Rebecca được đưa tới một khách sạn ở ngoại ô Beirut, và được cho biết rằng họ đã bị các nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp lừa, sau khi cuỗm được một khoản tiền. Rebecca phải trốn vào toilet cho tới khi những thí sinh khác được đưa tới nhưng cũng chỉ có bốn người đẹp xuất hiện. Gần như bị bỏ rơi ở Lebanon, Rebecca vẫn cảm thấy may mắn bởi nếu những người đàn ông đó muốn giết cô, có thể cô đã chẳng còn nguyên vẹn mà kể lại câu chuyện.
Rồi nhóm của Rebecca cũng được đưa tới gặp một vài người, trong đó có một người tự nhận là Hoàng tử Jordan. “Ông ta trông như một chiếc tủ đồ hiệu vậy, với dây chuyền đá quý, một đôi giày da rắn, một chiếc áo khoác da cá sấu, nhẫn và vỏ điện thoại khảm kim cương.” - Rebecca nhớ lại.
Người đẹp Australia Rebecca Boggiano chụp ảnh với một người đàn ông tự nhận là "hoàng tử Jordan". Nhưng không ai có thể xác minh thông tin này |
Ghé qua ngôi nhà của một trong những người đàn ông, người đẹp tiếp tục được chiêm ngưỡng những khẩu súng chế tác cầu kỳ như những món đồ trang sức đắt tiền, trong đó một khẩu súng ngắn bằng vàng, được giới thiệu là từng thuộc về một người họ hàng của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Nhưng trò tiêu khiển đắt tiền không khiến Rebecca cùng những người đồng hành thôi lo lắng. Những nhà tổ chức tiếp tục thông báo với họ rằng cuộc thi đã bị hủy bỏ nhưng một buổi họp báo vẫn sẽ diễn ra cùng với nghi lễ trao “vương miện” song cuối cùng chẳng có gì diễn ra cả.
Điều trớ trêu với Rebecca và bốn cô gái là nỗi sợ hãi về sự an toàn của mình. “Một trong số chúng tôi, Ruhi (Singh), người đại diện cho Ấn Độ, thực sự đã suy sụp, bởi mọi người ở đất nước của cô ấy rất nghiêm túc với những cuộc thi hoa hậu. Cô ấy còn được đào tạo bài bản để trở thành một người mẫu và một hoa hậu. Ngoài ra, hành lý của cô ấy gồm rất nhiều trang phục trình diễn và đạo cụ. Dễ phải mất nhiều nghìn USD tiền cước quá cân.”
Và cuối cùng, tất cả các thí sinh hụt này đều đồng ý giả vờ như người đẹp Singh đã giành vương miện chiến thắng, giúp cô đỡ mất mặt khi trở về. Họ cùng ra trước sảnh khách sạn, chụp ảnh với Singh với dải băng hoa hậu và rất nhiều hoa rồi đưa lên trang web của cuộc thi, với phần giới thiệu người đẹp Singh là người giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Hòa bình và Nhân đạo 2014 và Rebecca là “á hậu”.
“Hoa hậu” Singh gần đây cũng xác nhận rằng chẳng có cuộc thi nhan sắc nào cả, và tất cả những hoạt động nhân đạo được liệt kê trên trang web của cuộc thi đều do cô tự dàn dựng.
Bí ẩn và băn khoăn về “cuộc thi” rồi cũng dần lắng xuống trong một năm qua khi những người đẹp trở về nhà an toàn, lành lặn. Nhưng tới giờ thì Rebecca vẫn không hiểu nổi tại sao cô lại được đưa tới Lebanon, thậm chí còn được chi trả toàn bộ tiền vé máy bay để chẳng làm gì cả.
Một người đẹp với khẩu súng bằng vàng được cho là từng thuộc về người nhà của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein |
Một màn kịch không rõ mục đích
Điều đó chỉ có thể được giải thích rằng, đây có thể là một màn kịch của vợ chồng nhà Tiến sĩ Khan dựng lên nhằm lừa tiền của những nhà tài trợ. “Một người đàn ông chúng tôi được gặp ở Beirut nói rằng ông ấy đã đầu tư khoảng 2 triệu USD vào cuộc thi nhan sắc này.” - Rebecca nói.
12 tháng sau màn ảo thuật, vợ chồng Tiến sĩ Khan vẫn chưa muốn dừng lại. Thông báo về cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hòa bình và Nhân đạo 2015 tại Dubai tiếp tục được phát đi nhưng lần này, các thí sinh phải tự chi trả tiền đi lại. Ban tổ chức còn cho công bố giấy đặt chỗ ở lâu đài Sheikh Rashid và gửi cả bản sao chi tiết đặt phòng cho các thí sinh để tạo dựng sự tin tưởng.
Sát tới ngày diễn ra, cuộc thi lại đột nhiên bị hoãn và chuyển sang một địa điểm thay thế là Colomba, Sri Lanka vào đầu tháng 12. Khi báo chí nhiều nước vào cuộc để chất vấn bà Asra Khan, thì người phụ nữ này, qua một tin nhắn đã viện dẫn “những quan ngại an ninh” và vấn đề visa để bảo vệ quyết định thay đổi thời gian và địa điểm tổ chức.
“Chiêu trò này rõ ràng là của những kẻ lừa đảo, những người muốn đánh cắp thông tin hộ chiếu và hình ảnh cá nhân để thực hiện các hành vi gian lận và làm tiền” - chuyên gia Russell Smith từ Viện Tội phạm học Australia nói. “Trong trường hợp này, hộ chiếu của các người đẹp đã trở thành ‘tiêu chuẩn vàng’ cho bọn trộm cắp thông tin cá nhân.” /.