Người đẹp “vạ miệng”
Sau khi đăng quang được vài ngày, một Hoa hậu ở Việt Nam đã liên tiếp có phát ngôn “vạ miệng” khiến cô có cả trăm nghìn antifan (người phản đối), thậm chí nhiều người còn yêu cầu tước bỏ vương miện của cô.
Trước đây cũng không ít người đẹp Việt vướng phải thị phi, bị coi là đang làm những “trò lố”, không phù hợp với cương vị. Như trường hợp một Á hậu cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế đã bị nhiều đánh giá tiêu cực do chọn chiếc váy được dư luận cho là “đẹp hơn” khi xuất hiện cùng Hoa hậu trong show diễn thời trang. Qua đó có thể thấy các đại diện nhan sắc tại Việt Nam vẫn đang thu hút sự quan tâm và đánh giá khắt khe từ phía công chúng.
Danh xưng “Hoa hậu” vốn được cộng đồng cho rằng để tôn vinh người đẹp đại diện cho một cuộc thi, thậm chí một quốc gia, dân tộc, không chỉ là việc kiếm tiền, danh vọng. Chính vì vậy, mỗi phát ngôn, hành động của các hoa hậu đều được dư luận quan tâm, có thể ảnh hưởng lớn đến một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Hiện nay, theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có đến 30 cuộc thi về nhan sắc, với hàng trăm danh hiệu. Nhưng thực tế, danh hiệu Hoa hậu chỉ thực sự có ý nghĩa khi chủ nhân chiếc vương miện lan tỏa được những điều tích cực đến công chúng. Để làm được điều đó, bản thân Hoa hậu không chỉ đẹp mà cần có trí tuệ và không ngừng hoàn thiện mình để xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ.
Để Hoa hậu ngày càng “đẹp” hơn
Ngay sau khi có những phát ngôn gây “sốc”, phần lớn các Hoa hậu, Á hậu đều đã lên tiếng xin lỗi, nhưng vẫn không được công chúng chấp nhận. Thậm chí, làn sóng “tẩy chay”, săm soi từng hành động, cử chỉ của những người đẹp này càng khắt khe hơn. Nhìn ở mức độ tích cực thì những lời phê phán như vậy đã giúp Hoa hậu, Á hậu nhìn nhận lại bản thân, cẩn thận hơn trong phát ngôn, hành động.
Mặt khác, Ban Tổ chức các cuộc thi nhan sắc và đại diện, quản lý của những người đẹp cũng cần phải chú ý hơn. Nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế đặt tiêu chí ứng xử lên hàng đầu. Lu Sierra - huấn luyện viên catwalk lâu năm của Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), đồng thời là người từng đào tạo nhiều thí sinh cho cuộc thi - khẳng định rằng kỹ năng trả lời phỏng vấn là tiêu chí tiên quyết để tìm ra Hoa hậu. Không chỉ những cuộc thi nhan sắc, ngay cả các ca sĩ, diễn viên ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được đào tạo rất bài bản về kỹ năng giao tiếp với truyền thông, để tránh gặp phải “tai nạn” nghề nghiệp.
Trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022, danh ca Ngọc Sơn - người được mời làm giám khảo đã đưa ra hàng loạt tiêu chí khắt khe, trong đó số một là Hoa hậu phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Theo danh ca chia sẻ: “Hoa hậu phải là người có thuần phong mỹ tục, ăn uống, đi đứng, nói năng… đều phải lưu ý ở mọi lúc, mọi nơi để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, thí sinh phải biết giới thiệu với bạn bè năm châu không chỉ nét đẹp của quê hương mà còn sự hào hùng của dân tộc”.
Chủ tịch Miss World Việt Nam - bà Phạm Kim Dung từng chia sẻ trên truyền thông về lý do các đại diện Việt Nam chưa thể đi sâu vào những kỳ thi nhan sắc mang tầm cỡ quốc tế. Cụ thể, khi trao đổi với Karolina Bielawska - Miss World 2021, bà nhận thấy vấn đề không phải là nhan sắc mà là làm sao để nổi bật. Karolina sinh năm 1999, tức là tầm tuổi của các cô gái thi hoa hậu ở Việt Nam nhưng nhìn cách cô ấy giao tiếp, chia sẻ lại rất tự nhiên, trưởng thành. Thần thái và sự tự tin này, các đại diện của Việt Nam chưa có.
Điều đó cho thấy, thái độ, kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng trong các kỳ thi nhan sắc. Đầu tư cho một người đẹp đi dự thi tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng lại “quên” yếu tố rất quan trọng là văn hóa giao tiếp thì rất đáng tiếc.