Mùa xuân khởi đầu một năm và mùa lễ hội cũng khởi đầu bằng kỷ niệm chiến công hiển hách đánh tan 30 vạn quân Thanh xâm lược ngay giữa kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Cuộc hành quân thần tốc ngược từ Nam ra Bắc đã đi vào lịch sử quân sự và được tái hiện trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 với chiến lược “thần tốc, bất ngờ, chiến thắng”.
Hình ảnh Vua Quang Trung, áo bào đẫm khói thuốc súng, cưỡi voi tiến vào thành đã trở thành biểu tượng của uy vũ Việt Nam, hiển hách và hào hùng: “Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc/Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên trên sóng vỗ Bạch Đằng” (Chế Lan Viên).
Cùng thời điểm mở đầu mùa xuân, Lễ hội tôn vinh Thánh Gióng mở ra tại Sóc Sơn (Hà Nội), Lễ hội tưởng niệm Mẫu Âu Cơ tổ chức tại Hiền Lương (Phú Thọ). Huyền thoại và lịch sử song hành, tôn vinh và tri ân tiền nhân dựng nước và giữ nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là vậy, rất đáng trân trọng và tự hào. Những chiến công vang dội núi sông được tái hiện trong từng lễ hội ở khắp đất nước này mang lại một nét đặc trưng hiếm có của dân tộc: Hào khí ngày xuân!
Du xuân và lễ hội là bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta. Điểm đến là các nơi danh lam, thắng cảnh, chùa chiền hoặc hang động, di tích lịch sử hay địa chỉ tâm linh, hoặc đơn giản hơn chỉ là một thửa ruộng khô, một khoảng đất bằng để dựng đu, đánh còn,... cũng đều hấp dẫn để di dưỡng tinh thần, phô bày tình cảm, giao lưu văn nghệ và tự làm mới đời sống của chính mình.
Du xuân cũng là một cách khai phá bản thân và cảm nhận những giá trị tinh thần, thu nạp nguyên khí đất trời chứ không chỉ riêng chuyện cầu tài, cầu lộc. Đó chính là lúc mà người ta tĩnh tâm nhìn ngắm cuộc đời, học sự thanh thản, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhiều người du xuân thì làm nên hội, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Kiều), sinh khí mùa xuân tràn ngập trong mỗi con người.
Hội cũng mang đậm màu sắc của văn minh lúa nước, chẳng hạn như hội Lồng Tồng (xuống đồng) của người Thái Tây Bắc hay Lễ tịch điền của vùng châu thổ sông Hồng. Đó là những ngày hội tôn vinh lao động, đẹp tươi như cuộc sống: “Áo em thêu chỉ biếc hồng/ Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui.
Còn có thể nhắc đến nhiều lễ hội khác, đặc trưng của mỗi vùng miền nhưng đặc sắc nhất vẫn thuộc cái nôi của đất Lạc Việt. Nơi có những hội hè dân gian mang đậm tính phồn thực nơi ngã ba sông Hạc Trì và những điệu hát xoan đầy tình tứ, phơi phới nét xuân. Cuối xuân, khép lại mùa lễ hội sẽ là Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, con cháu Rồng Tiên tụ hội nơi giữ gìn khí thiêng sông núi.
Xuân này, mong lễ hội không bị lạm dụng, biến tướng với mục đích thương mại hóa và nạn “chặt chém” hoành hành. Lễ nghiêm, hội vui, mang lại cho du khách niềm vui chan hòa, ấm áp. Đó chính là hòa khí ngày xuân, mọi người đều phải giữ gìn, đặng mong một năm mới tốt lành!