Phan Kế An là họa sĩ tên tuổi chuyên vẽ tranh biếm họa thời kháng chiến, đăng trên Báo Sự thật, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân… với bút danh Phan Kích. Ông thuộc lớp họa sĩ đầu tiên lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp, người vinh dự được giao nhiệm vụ đến vẽ Bác Hồ kính yêu làm việc ở nhà sàn nứa, trong chiến khu Việt Bắc năm 1948…
“Cụ thường xưng là “mình” và gọi tôi là “An”
Họa sỹ Phan Kế An nhớ lại: Tôi nhớ một lần ông Trường Chinh gọi tôi lên gặp, phân công tôi sang khu nhà sàn nứa Bác đang ở và làm việc gần đó để vẽ hình Bác, dùng cho số báo Sự thật sắp tới.
Sáng hôm sau, họa sĩ trẻ được cấp một con ngựa để lên đường. Đến trạm liên lạc đèo De (Thái Nguyên), Phan Kế An để ngựa lại trạm và được chỉ dẫn là đi tiếp 300m nữa, men theo đường mòn thì sẽ thấy lán Bác ở. Nhưng mới đi được hơn 100m thì đã nhìn thấy Bác ra đón.
Bác qua nét ký họa của họa sỹ Phan Kế An |
Trời se lạnh. Bác mặc bộ quần áo màu nâu, chân đi dép lốp, giống hệt một cụ nông dân. Bác ôm vai họa sĩ trẻ: “An đấy à?”, rồi Bác hỏi thăm cặn kẽ về sức khỏe và công việc của chàng họa sỹ khi đó mới 25 tuổi. Tiếp đó, Bác dẫn họa sĩ vào một cái lán to, giới thiệu với tất cả cán bộ, nhân viên trong đó.
Đi qua một cái sân bé, Bác gọi đấy là sân bóng chuyền và bảo: “Chiều nay, An đánh bóng với tụi mình”. Sau đó Bác bảo: “An xuống nhà dưới nghỉ đi, muốn tắm thì ra suối tắm, đến chiều thì ăn cơm với mình”.
“Cụ thường xưng là “mình” và gọi tôi là “An”, trong khi tuổi cụ lúc ấy đã ngoài 50, xấp xỉ tuổi thân phụ tôi (tức cụ Phan Kế Toại, nguyên Phó thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - PV)”, họa sĩ Phan Kế An nhớ lại.
Nhà sàn nứa nơi Bác ở và làm việc đóng ở Khuôn Tát, có các anh Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến, bác sĩ Lê Văn Chánh… bàn ghế, giường tủ đều làm bằng tre nứa, máy chữ của Người đặt ở trên bàn. Bác mời tôi ngồi uống nước và hút thuốc.
“Nhiệm vụ của tôi là phải ghi chép rất nhanh, bắt được cái thần của Người đưa vào trong khuôn hình, tôi vẽ phác họa Người bằng bút chì và bút sắt. Tôi vẽ thâm họa (vẽ kỹ) hình Bác phải mất mấy ngày, vẽ ký họa (vẽ nhanh) chỉ trong chốc lát. Thời gian 3 tuần được sống gần Bác, tôi vẽ tổng cộng được hơn 200 bức ảnh ký họa về Bác Hồ”- họa sỹ nhớ lại.
Tiếc rằng đến nay, tôi chỉ giữ lại được khoảng 20 bức tranh vẽ Người, vì ngày đó thường xuyên di chuyển cơ quan, tôi cho số tranh ký họa đó vào trong ống bương và gửi lại nhà dân, sau này về tìm lại thì một số tranh bị mối xông, số khác bị thất lạc, những tranh vẽ tôi để trong ba lô mang theo mình thì còn lại đến ngày nay.
"Tôi vẫn thấy Bác trong bộ đồ nâu vẫy tay tiễn tôi"
Sau thời gian mài miệt, họa sĩ có khoảng 20 bức tốc họa và một bức thâm họa đã hoàn thành, xin mang đến Bác xem. Bác ôn tồn bảo: “Chú hãy treo tất cả tranh lên tấm liếp ở nhà tập thể, mời tất cả anh chị em cơ quan đến xem cùng với Bác!”. Anh em cơ quan được tiếp xúc với hội họa, biết thêm giá trị lao động nghệ thuật, họa sĩ thì được khích lệ, qua những lời phẩm bình của người xem tranh mà rút được kinh nghiệm.
Khi mọi người đang xem, chưa có ý kiến gì thì chợt Bác chỉ vào một bức có nét vẽ mộc mạc nhất, rồi bảo: “Nếu đăng báo thì chú lấy bức này vì nó đơn giản và có tinh thần”. Bác giao cho tôi mang bức tranh này về cho ông Trường Chinh xem để duyệt, sau đó tranh vẽ ấy được dùng in trang trọng trên Báo Sự thật...”.
Bức tốc họa đó được Phan Kế An vẽ bằng bút sắt và hoàn thành trong... 1 phút!
Ngày ấy, Bác Hồ chiều chiều thường ra đánh bóng chuyền với anh em cơ quan. Hôm ấy quả bóng bắn ra ngoài, rơi theo dốc này, tôi định lao theo thì Bác giữ lấy vai tôi, ôn tồn bảo: “An không thấy à? Nứa nhọn lởm chởm thế kia, đừng chạy, nguy hiểm đấy!”.
Họa sỹ Phan Kế An bây giờ và thời gian bên Bác Hồ |
Phải chăng, bức chân dung vẽ Bác khi ấy được lưu truyền đến giờ, ẩn chứa sự cảm động trước những quan tâm ân cần của Bác ngày đó…
Họa sỹ tâm sự: việc Bác ra đón tôi ở giữa đường và ôm lấy tôi, đấy là một cử chỉ khiến tôi cảm động đến tận bây giờ. Lần đầu tiên, một Chủ tịch nước ôm lấy tôi và nói những câu thân tình như người trong gia đình.
“Tôi nhớ mãi, kể cả lúc đến và lúc về Bác cũng tiễn tôi đến nửa đường, đi khỏi mấy chục mét, qua những bụi rậm sắp sửa lấp không nhìn thấy, quay lại vẫn thấy Bác trong bộ đồ nâu vẫy tay tiễn tôi. Đến tận bây giờ, tôi đã 90 tuổi nhưng vẫn nhớ ông cụ đầu râu tóc bạc, mặc bộ đồ nâu đứng tiễn tôi… “
Miên Thảo