Nỗi buồn không người truyền nghề
Biết mình là người cuối cùng còn vẽ tranh truyền thần ở Cần Thơ, người họa sĩ không giấu được nỗi buồn. Đối với ông, nghệ thuật không chỉ là tình yêu, mà hơn thế, nó là cả cuộc đời. Ngày xưa, lúc họa sĩ Phan Há theo đuổi nghề, tranh truyền thần đang ở thời kỳ đỉnh cao, mức độ thịnh hành không thua kém gì nhiếp ảnh ngày nay. Lúc ấy, bạn chung nghề với ông ở Cần Thơ nhiều lắm, vậy mà bây giờ họ không còn đeo nổi nghề nữa.
Dù biết rằng, những con người ấy cũng rất tâm quyết nhưng vì thời cuộc thay đổi, công nghệ phát triển, người ta chỉ đeo đuổi đam mê khi nó tạo ra cho người ta miếng ăn. Ai không trụ được thì bỏ nghề, đi tìm việc khác làm. Thậm chí, có những người bạn của ông phải đi bán vé số sống qua ngày, làm cái gì ra tiền thì người ta làm.
Họa sĩ Phan Há tâm sự: “Điều chú luôn trăn trở là một ngày nào đó chú về với đất mẹ, không có ai nối nghiệp mình”. Dằn lại cơn ho, ông tâm sự: Trước đây, ông có ý định “lái” đứa con gái lớn theo nghề nhưng học được 5 - 6 năm thì con gái lấy chồng rồi bỏ ngang. Thấy con trai thứ cũng có năng khiếu nên lúc con mười mấy tuổi, ông lại định hướng cho con nối nghiệp.
Khi đó, ông đầu tư hẳn một máy vi tính cho con. Nhưng cuối cùng, con trai ông lại đam mê học sửa xe gắn máy. Tuy có thất vọng, nhưng ông cũng hiểu, cho nên thôi “con thích gì thì cho nó theo cái đó, giống như mình ngày xưa. Giờ mình cũng hài lòng khi con mình theo đuổi ước mơ và thành công”.
Khi nói về tác phẩm tâm đắc nhất, họa sĩ Phan Há hồ hởi đưa tay lên mặt, tạo dáng diễn tả bức tranh. Đó là bức tranh ông họa theo một bức hình đặc tả một cô gái ngồi khóc người yêu đã tử trận. Những giọt nước mắt nặng trĩu đọng trên má và cánh tay cô gái, chính là chi tiết đắt giá nhất của bức ảnh. Có lẽ vì đã “thổi hồn” thành công giá trị hiện thực đó vào bức truyền thần, để khi nhắc về “đứa con tinh thần” đã lạc mất này, họa sĩ Phan Há càng thêm bùi ngùi, luyến tiếc.
Ở một phương diện khác, khi thấy chồng vẽ những bức tranh ám ảnh như “tiếc thương”, vợ họa sĩ đã nhiều lần khuyên can. Bà cho rằng, không nên vẽ những bức ảnh sầu khổ như vậy, bởi vì biết đâu những điều sầu khổ đó sẽ vận vào cuộc đời người họa sĩ. Nghe vậy, đôi lần ông cũng đã do dự khi cầm bút.
Đời họa sĩ tài hoa
Ngược dòng thời gian trở về năm 9 tuổi, cậu bé Phan Xú Há được cha phát hiện ra tài năng hội họa trong một lần tình cờ. Biết con có hoa tay và cảm nhận nghệ thuật tốt, nên người cha hết lòng ủng hộ. Hằng ngày, sau những giờ bán bánh mì phụ gia đình, cha của Há khuyến khích con ngồi vẽ. Đôi lúc, cậu bé Há cảm thấy bị bó buộc nhưng chính ngọn lửa đam mê đã khiến cậu không thể dừng lại.
Ít lâu sau cha mất, chị gái không cho Há vẽ nữa. Một phần vì nghe người ta nói cái nghiệp “cầm, kỳ, thi, họa” là nghề bạc bẽo, nghèo khó chứ không vinh quang gì. Một phần cũng do hoàn cảnh không còn cha mẹ, hai chị em phải nương tựa nhau mưu sinh. Cuối cùng, Há chọn gác lại đam mê để phụ chị bán cháo huyết. Dù không thể tiếp tục hành trình đi đến ước mơ, nhưng trong lòng cậu bé Há vẫn luôn âm thầm nuôi dưỡng mầm tình yêu dành cho nghề vẽ.
Chân dung vợ họa sĩ Phan Há năm 18 tuổi |
Đúng như cổ nhân thường nói, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Trong một lần đi xem hát, vô tình thấy người ta vẽ nền cho sân khấu, Há cứ đứng mải mê nhìn, mà quên mất mục đích mình đến để xem hát. Từ đó, cậu tới lui rạp hát thường xuyên hơn, xem các họa sĩ vẽ rồi “học lỏm”, về nhà tự mày mò thêm. Cứ như vậy, Há vừa học vẽ, vừa học chữ, vừa bán cháo. Bán cháo với chị được bao nhiêu tiền thì để dành mua dụng cụ vẽ như màu, bút chì, thước...
Cuối cùng, trời đã không phụ người có lòng, khi cậu bé chăm chỉ “học lỏm” được một họa sĩ trong rạp chú ý. Sau này, người họa sĩ đó trở thành người thầy đầu tiên của cậu bé Há. Đó chính là họa sĩ Lê Nam. Ban đầu, Há chỉ được nhờ làm những việc lặt vặt, từ từ được thầy cho đi theo phụ vẽ ở các rạp như: Moderne, Thanh Vân, Hòa Hưng, Văn Cầm, Cẩm Vân...
Đến sau 1975 hòa bình lặp lại, họa sĩ Phan Há đến đất Cần Thơ sinh sống, vẽ cho nhà vẽ Bút Ngân và các rạp xinê như Huỳnh Lạc, Lao Động, Tây Đô,... để “kiếm cơm”.
Theo thời gian, không chỉ có tên tuổi trong việc vẽ quảng cáo mà ông còn ngày một thành công với thể loại truyền thần. Tính đến nay, họa sĩ Phan Há đã gắn bó với nghề này hơn 50 năm. Ông là “ngọn lửa” cuối cùng, cũng là người “giữ lửa” để tranh truyền thần dù không còn “chỗ đứng” ở đất Tây Đô xưa, thì chí ít nó cũng còn tồn tại đến bây giờ.
Thật đáng tiếc! Khi giờ đây đã không còn nhiều người quan tâm thể loại tranh vẽ này, nếu không muốn nói là rất hiếm người tìm đến. Nếu có, thì vào dịp Tết, người ta thỉnh thoảng mới đặt vẽ những bức truyền thần để trang trí nhà cửa hoặc để làm ảnh thờ. Cho nên, để duy trì miếng cơm manh áo bằng niềm đam mê xưa cũ như vậy là điều không dễ dàng trong thời đại 4.0.