“Người mẹ yêu thương của những đứa trẻ EB” đó là điều mà mọi người nghĩ và nhắc đến khi nói về chị Trần Phương Lan - Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bọng nước (EB)”, SN 1977, sinh sống tại phố Lê Duẩn, Hà Nội. Sau quá trình đi khắp đất nước giúp đỡ những em nhỏ bị EB, đến năm 2014, chị Trần Phương Lan đã trực tiếp nhận nuôi một bé trai (được đặt tên là Kem) bị gia đình bỏ rơi tại bệnh viện khi thấy bé bị bệnh EB nặng, tiên lượng chỉ sống được vài tháng.
Trung bình mỗi ngày, gia đình chị chi phí hàng triệu đồng mua bông băng, thuốc men cho bé. Để có tiền thuốc thang chữa trị cho Kem, gia đình chị đã phải bán đi hai ngôi nhà. Dưới bàn tay chăm sóc và thuốc thang của chị và gia đình, điều kỳ diệu đã xảy ra: bé Kem đến nay đã gần 4 tuổi và dù bệnh nặng nhưng vẫn sống trong tình yêu thương của gia đình chị.
Hiện nay, Câu lạc bộ thường xuyên trợ giúp khoảng 30 bé bị bệnh EB trên khắp mọi miền đất nước, cung cấp bông băng, thuốc men, kinh phí thường xuyên là từ 4 - 8 triệu đồng/ tháng/cháu và tư vấn cách chăm sóc, nuôi dưỡng cho gia đình các em. Thời gian nhiều nhất số cháu bị bệnh EB được Câu lạc bộ trợ giúp lên đến 60 cháu bé. Với những nghĩa cử cao đẹp trên, năm 2015 chị Trần Phương Lan được Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư gửi thư cảm ơn. Năm 2017 chị đã được Chủ tịch UBND TP tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Không sai khi nói bà Phạm Thị Tuyết là người có nhiệt huyết trong việc quảng bá và tôn vinh ẩm thực Hà Nội ra thế giới. Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết sinh năm 1953 chủ nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây, Hà Nội đã hơn 10 năm nay, thường xuyên nhận các học viên từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi... đến học nấu món ăn truyền thống của người Hà Nội.
Hiện nay lớp học của bà ngày càng đông thông qua các tour du lịch Hà Nội. Những món ăn mang “Thương hiệu nghệ nhân Ánh Tuyết” đã hiện diện trong các quán ăn nhanh cho đến những tiệm ăn sang trọng tại New York và nhiều thủ đô các nước khác. Hình ảnh nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết với các món đặc sản của đất Hà thành cũng đã trở nên quen thuộc với công chúng Mỹ, Nga và các nước trên thế giới qua kênh truyền hình Discovery Chanel, BBC (Anh), SRG (Thụy Sĩ), NewYork (Mỹ), Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thực hiện.
Năm 2017, nghệ nhân Phạm Thị Tuyết được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng cho Nghệ nhân ẩm thực và vinh dự được chọn là nữ nghệ nhân để lên thực đơn và nấu tiệc thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng. Năm 2018, bà được mời chỉ đạo trực tiếp phục vụ ẩm thực cho 61 phu nhân đại sứ quán tại khu nghỉ dưỡng Flamigo Đại Lải.
Bà cũng được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực tại Việt Nam và cũng tham gia các cuộc tọa đàm về văn hóa ẩm thực truyền thống trên các kênh Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời bà thường xuyên tham gia dạy nấu ăn trên các chương trình truyền hình quốc gia, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng khác...
Khi vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo (sinh năm 1992) bước lên bục nhận Huy chương Vàng tại Đại hội thể thao châu Á 2018 nhiều người biết cô đã cảm động rơi nước mắt vì hiểu rằng để có được thành tích đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của một cô gái phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bùi Thị Thu Thảo xuất thân từ một gia đình khó khăn tại huyện Ba Vì, Hà Nội, từ nhỏ đã phải làm những việc còn vất vả, nặng nhọc như đóng gạch, phụ hồ…
Bố mẹ Thảo đều làm nghề nông và mắc nhiều bệnh nặng. Những lần bố mẹ đi viện là những lần gia đình Thảo phải vay mượn để lấy tiền chữa bệnh. Nhiều lần Thảo định bỏ nghề để ở nhà chăm sóc bố mẹ, nhưng được sự động viên của các huấn luyện viên Thảo lại tiếp tục tham gia thi đấu. Lấy chồng hơn 1 năm sau khi giành Huy chương Bạc ASIAD 17 năm 2014 nội dung nhảy xa, Thu Thảo nằm trong số không nhiều nữ vận động viên thể thao tuy đã lập gia đình nhưng vẫn bảo đảm được trình độ đỉnh cao nhờ ý chí và quá trình tập luyện nghiêm túc.
Những hy sinh thầm lặng, ý chí khổ luyện miệt mài đã giúp Thu Thảo khẳng định bản lĩnh, làm nên thương hiệu “Cô gái vàng của làng điền kinh Việt Nam”.