Việc đưa cụ rùa hồ Gươm, Hà Nội, lên cạn trị thương dự định tiến hành hôm qua không thực hiện được do nhiệt độ xuống thấp.
Trước đó, kế hoạch đưa cụ lên gò Rùa vào ngày 4/3 cũng không thành.
Rùa hồ Gươm bị thương ở đầu, cổ và chân
Bác sĩ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, chủ tịch Hội đồng chữa trị cụ rùa, nhấn mạnh rằng việc cứu chữa cụ phải làm cẩn thận. “Ngày 7/3, ban chỉ đạo rùa hồ Gươm sẽ trình lên thành phố duyệt các giai đoạn cứu rùa. Cụ rùa là là biểu tượng linh thiêng, động vật quý hiếm, nên việc cứu chữa không thể tùy tiện”, ông Đăng nói.
Hôm qua, nghi thức cúng lễ tại đền Ngọc Sơn và tháp Rùa diễn ra trước khi lai dẫn rùa hồ Gươm về nơi chữa trị. Đội dẫn dắt rùa hồ Gươm khoảng 30 người, do ông Nguyễn Ngọc Khôi làm đội trưởng đã chỉ đạo nhóm tiến hành khảo sát mặt hồ, tìm đường đi những nơi cụ hay nổi, nơi thuận tiện cho việc quây lưới bắt cụ.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, mực nước hồ hiện đang rất thấp, chỗ sâu nhất chỉ đạt 95cm.
Các việc chuẩn bị để đưa cụ Rùa lên cạn đã hoành thành. Sở Nông nghiệp đã nhận đủ lưới mềm, bể chữa trị cho Rùa đã được lắp đặt xong, các bao cát đã tạo thành lối thoai thoải dẫn lên gò Rùa, hàng rao xung quanh gò cũng được hoàn tất.
Khoảng 20 bè trồng cây thủy trúc đã được thả ở trên hồ nhằm làm giảm nồng độ ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc dọn vệ sinh quanh hồ, bổ sung nguồn nước sạch, các bẫy rùa tai đỏ được đặt thêm.
Hôm qua rất nhiều người dân tới khu vực hồ Hoàn Kiếm để xem cụ Rùa lên cạn thế nào.
Bà Trần Thị Hằng, 53 tuổi, ở phố Hàng Trống, cho biết mấy ngày nay, ngày nào bà cũng ra hồ Gươm để xem đưa cụ Rùa lên cạn. "Lần nào ra đây tôi cũng nghe thấy nói là chưa bắt cụ lên. Lâu thế này thì không biết cụ Rùa có qua nổi không”.
Đa số những người mong ngóng xem Rùa cho rằng cụ đã bị bệnh trầm trọng. "Dạo này cụ nổi nhiều quá, chắc là bệnh nặng", ông Trần Thế Tri, 66 tuổi, nhà ở phố Huế, nói. "Nếu hồ Gươm mà không có Rùa thì thật hụt hẫng".
Theo VnExpress