Hoan hỉ chiêm bái pho tượng Phật ngọc

(PLO) -Chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chào mừng Đại hội lần thứ 8 Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chùa Yên Phú tổ chức lễ cung nghinh và chiêm bái tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới vào tối 2/7/2016
Lễ khai mạc chiêm bái tượng Phật ngọc
Lễ khai mạc chiêm bái tượng Phật ngọc

Phật ngọc Hòa Bình Thế giới là một trong những pho tượng Phật ngọc lớn nhất và trang nghiêm nhất thế giới được hoàn tất vào cuối tháng 12 năm 2008. Pho tượng Phật Ngọc hoàn thiện cao 2,54m, ngang 1,77m, nơi dày nhất khoảng 1m.

Từ cuối năm 2008, với sự hợp tác của các đạo tràng ở nhiều nước, Trung tâm Phật giáo Atisha (Australia) đã khởi xướng các chương trình cung nghinh Phật Ngọc chu du triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới, với niềm tin tưởng Phật ngọc sẽ đem đến sự an bình cho nhân loại.

Rất đông người dân được chiêm bái Phật ngọc
Rất đông người dân được chiêm bái Phật ngọc

Chùa Yên Phú là điểm dừng chân cuối cùng của pho tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới tại Việt Nam, trước khi được thỉnh sang Australia và an vị tại quốc gia này. Trong các ngày cung nghinh và chiêm bái tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới, sẽ có các hoạt động văn nghệ Phật giáo phong phú.

Cũng trong dịp này, tại chùa Yên Phú diễn ra triển lãm “Những thành tựu phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”.  

Triển lãm nêu bật thành tựu phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm qua, đặc biệt là qua 7 kỳ đại hội; thành tựu phát triển của 13 Ban, Viện của Giáo hội, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở 63 tỉnh, thành trên các lĩnh vực: phát triển quy mô hoạt động đối nội, đối ngoại, công tác tăng sự, pháp chế, hoằng pháp, giáo dục tăng ni và tổ chức các hoạt động từ thiện, văn hóa nghệ thuật, đại hội, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu đề tài khoa học, truyền thông… về văn hóa Phật giáo; sự phát triển của chùa Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo và ở nước ngoài.