Án vua Duy Tân năm 1916, kỳ 1: Cuộc mưu sự của vị vua trẻ

(PLO) -Giữa lúc người Pháp thực thi sức mạnh trên toàn cõi Việt Nam, dù tiếng đất Trung kỳ thuộc quyền cai quản của nhà Nguyễn, ấy nhưng hầu hết từ vua chí quan đều nằm trong vòng cương tỏa của chính quyền thực dân. Ấy thế mà một vị vua trẻ đã dám làm một cuộc lật đổ, bất chấp sự an nguy cho tính mạng bản thân. 
 Vua Duy Tân khi mới đăng quang.
Vua Duy Tân khi mới đăng quang.

Lên ngồi ngai vàng khi tuổi còn măng sữa với sự đồng ý của chính quyền Pháp. Ấy nhưng, vua Duy Tân đã làm cho người Pháp ngỡ ngàng khi mọi ý định dựng nên một ông vua bù nhìn của họ bị phá sản. Không chỉ thế, vua Duy Tân còn thể hiện sự cương trực, tình yêu nước thiết tha hơn bao giờ hết. 

Vua Thành Thái vì yêu nước, dám chống lại người Pháp nên bị phế truất với lý do vua mắc phải “căn bệnh không ổn định”. Người Pháp chọn một trong những người con của vua thoái vị để đặt lên ngai vàng, dĩ nhiên là phải “dễ bảo” hơn vua cha. Và rồi, hoàng tử Vĩnh San lọt vào “mắt xanh” của họ, thế là sử nước Nam ghi danh một vị quân vương trẻ, tuổi lên 8 ngồi ngai vàng:

Vĩnh San hoàng tử trẻ trung,

Sợ noi phụ chí, Pháp dùng chước ngon.

(Trích Cận đại Việt sử diễn ca)

Khí phách của vị quân vương trẻ

Vĩnh San là con thứ tám của vua Thành Thái (Trong Hồ sơ vua Duy Tân, Hoàng Trọng Thược ghi là con thứ năm), mẹ là Tài nhân Nguyễn Thị Định. Vua sinh năm Canh Tý (1900), lên ngai vàng ngày 5/9/1907 (tức ngày 28/7 năm Đinh Mùi). 

Cụ Phạm Khắc Hòe, từng là Ngự tiền Văn phòng Tổng lý của vua Bảo Đại, hiểu được những thâm cung bí sử của nhà Nguyễn, trong ghi chép Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, đã nhận định về vị vua trẻ Duy Tân là “nhà vua thiếu niên đã có những ngôn ngữ cử chỉ làm cho những người được nghe tận tai, nhìn tận mắt phải khâm phục và nhớ đời. Ngay cả những người được nghe kể lại cũng phải khâm phục và nhớ lâu”. 

Những tưởng đặt vị vua “vắt mũi chưa sạch” lên ngồi bệ rồng, là người Pháp dễ dàng điều khiển theo ý muốn của họ, và quân vương nước Nam sẽ chỉ là bù nhìn mà thôi. Nhưng chính quyền thực dân không chỉ “bé cái nhầm”, mà thật sự là lầm to.

Tác giả Nguyễn Trương Đàn, trong tác phẩm nghiên cứu Vua Duy Tân 1916, đã cho hay cái sự lầm ấy của Pháp được tỏ từ ngay lúc vị vua thơ bé làm lễ đăng quang: “Ngay chiều làm lễ đăng quang, Vĩnh San đã tỏ ra khác hẳn: tai to, mắt sáng, mặt mũi khôi ngô và tuy mới 8 tuổi (do Triều đình đồng thanh phong lên một tuổi) nhà vua đã tỏ ra chững chạc như người lớn và không hề có một cử chỉ nhút nhát sợ Tây”. 

Nào đã hết, khi nói chuyện với Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung kỳ, vua nói bằng tiếp Pháp lưu loát. Lại lúc chọn vương hiệu, Vĩnh San lấy hai chữ Duy Tân, những mong cải cách, đổi mới. Rõ là cái chí của vị vua trẻ đã hiển hiện ra rồi.

Trong âm mưu của người Pháp khi đưa Vĩnh San lên ngai vàng, không gì khác hơn là xoay vị vua trẻ theo hướng điều chuyển của họ, và để làm được điều đó, Pháp tạo mọi điều kiện để vua vui chơi, sống sung sướng trong nhung lụa. Nhưng ý định ấy có thành hiện thực? Ta hãy xem. 

Vua Duy Tân lúc trưởng thành
Vua Duy Tân lúc trưởng thành

Người Pháp hụt hẫng

Khác với mong muốn của chính quyền thực dân, vị quân vương trẻ tuổi có những hành động trái ngược hẳn. Thay vì đắm mình trong những trò tiêu khiển mà lẽ thường tuổi nhi đồng, thiếu niên ưa thích, thì vua Duy Tân lại dành thời gian để làm những việc thiết thực hơn. 

Vua học tập rất nghiêm túc, trở thành người am hiểu nhiều lĩnh vực mà các vua Nguyễn xưa nay hầu như chưa từng biết tới, như Nguyễn Trương Đàn cho hay, đó là “tiếng Pháp, triết học, chính trị học, luật lệ, triều chế cũng như lễ nghi, võ bị (binh đao, võ lược), kỵ mã, sử dụng thành thạo 5 loại nhạc cụ: đàn nguyệt, tranh, tỳ bà, nhị, bầu, và cả vĩ cầm (violon) của Tây phương và nhất là vua đã tiếp thu được các luồng tư tưởng tiến bộ của châu Âu, những thành tựu của nền văn minh, văn hóa Tây phương và nước Pháp”. Thế nên, trong Việt sử mông học mới ngợi ca vua rằng:

Điện học rất tinh thông,

Những mưu toàn đổi mới. 

Làm vua được chín năm,

Có hoài bão rộng rãi. 

Dù tuổi còn nhỏ, nhưng việc ăn uống của vua đạm bạc, đồ mặc lại giản dị, và vua trẻ Duy Tân đã có ý thức dùng đồ nội hóa để ủng hộ quốc dân. Đồng thời, Duy Tân rất thích vi hành. Chính qua những lần thâm nhập vào cuộc sống thường nhật của nhân gian, vua thấy được nỗi cơ cực của dân lành, những bất công của xã hội dưới sự thống trị của thực dân Pháp, dù Trung kỳ lúc đó tiếng là do nhà Nguyễn cai trị.

Cũng chính từ những lần vi hành ấy, tư tưởng yêu nước ngày thêm được bồi đắp. Việt sử tân biên, phần “Chế độ Pháp thuộc tại Việt Nam” cho biết, từ một lần vua đến chợ phiên Cam Lộ đất Quảng Trị, đã gặp Khóa Bảo, một nhà yêu nước, một yếu nhân của Việt Nam Quang phục hội, nảy nở trong lòng vị quân vương ý chí khôi phục lại cơ đồ của cha ông. 

Với kẻ hầu người hạ, vua rất mực thương yêu, nhưng với người Pháp, những kẻ góp phần quyết định đưa vua ngồi lên ngai vàng, thì Duy Tân đã làm cho họ hụt hẫng lắm lắm. Bởi sau một thời gian làm vua, năm 13 tuổi, nhận thức được mình bị kiềm tỏa bởi Hội đồng Phụ chính, vua đã phản đối việc mình bị gạt ra khỏi cơ cấu quyền lực.

Lại năm 16 tuổi “Duy Tân đã họp quần thần lại và buộc các Thượng thư phải viết một văn thư yêu cầu xét duyệt lại toàn bộ Hiệp ước 1884, phải ký tên vào các văn thư ấy và phải đích thân mang đến cho Khâm sứ Pháp” (Trích Vua Duy Tân 1916).

Đó chính là đòi hỏi của vua về quyền cai trị thực tế của mình nơi đất Trung kỳ. Dĩ nhiên là ý nguyện của vua không đạt được. Còn người Pháp, chắc chắn là không hài lòng. Nhưng vua Duy Tân đâu chỉ dừng lại ở đó. 

Tiền Duy Tân thông bảo
Tiền Duy Tân thông bảo

Cuộc mưu sự bất thành và án phế truất lơ lửng

Bấy giờ, Việt Nam Quang phục hội (VNQPH), tổ chức được cụ Phan Bội Châu lập năm 1912, thấy rõ vua Duy Tân là một vị vua yêu nước nên Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 9/1915 tại Huế của Đảng bộ VNQPH đã đặt vấn đề tiếp xúc với nhà vua. Đến Hội nghị lần thứ hai vào tháng 2/1916, đã thống nhất mời nhà vua tham gia khởi nghĩa để củng cố lòng dân. 

Kế hoạch tiếp cận vị vua trẻ được vạch ra, đảng viên của VNQPH Phan Hữu Khánh được sắp xếp làm tài xế cho vị vua trẻ sau khi đã bỏ một số tiền lớn vận động tài xế của vua nghỉ việc. Nhờ dây liên lạc của Khánh, vua Duy Tân biết đến VNQPH nhiều hơn.

Cuộc gặp giữa vua và Thái Phiên, Trần Cao Vân đã được thực hiện ngày 14/4/1916, hai bên bàn luận tương đắc và vị vua yêu nước nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa, còn về vấn đề chính thể thì sẵn sàng “Công việc sau này xin nhường lại cho toàn thể quốc dân định đoạt”.

Cuộc khởi nghĩa được thống nhất thời gian là tối ngày 3, rạng sáng ngày 4/5/1916 với phạm vi rộng lớn từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi. Lực lượng chính tham gia khởi nghĩa lật Pháp là các sĩ phu yêu nước và binh lính Việt giác ngộ. Điều này được thể hiện trong Cận đại Việt sử diễn ca là:

Cùng binh lính nguyện kết giao,

Xui người hưởng ứng phong trào cần vương.

Nội công ngoại kích lo lường,

Định ngày vua xuất chiến trường chỉ huy. 

22g ngày 3/5, vua Duy Tân cải trang thành thường dân, chân đất, đầu chít khăn đen, mình mặc áo cụt đỏ sẫm, quần vải trắng bí mật ra khỏi Hoàng thành đến Thương Bạc. Lúc này thuyền của Thái Phiên, Trần Cao Vân chờ sẵn đưa vua xuôi về làng Hà Trung, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Tất cả chờ đợi tiếng súng lệnh nổ và tiếng voi rống để mở đầu cuộc khởi nghĩa. Để tập hợp quốc dân tham gia khởi nghĩa, vua Duy Tân đã thảo chiếu thư kêu gọi những người yêu nước đứng lên chống Pháp. Tiếc rằng, kế hoạch bị lộ trước đó, người Pháp đã chủ động đối phó. 

Cuộc khởi nghĩa diễn ra rất manh mún. Như Điện 107S ngày 4/5 của Khâm sứ Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương cho hay “Quảng Ngãi điện báo không có cuộc tấn công nào, hình như các toán quân đã phân tán.

Hội An điện báo việc xảy ra ở Tam Kỳ vào lúc 2g đến 4g sáng. Nhà ở của người Âu và Tòa Đại lý không bị tấn công. Tòa Phủ của Quan Phủ bị phá hoại… Quân phiến loạn đã kéo cờ tại Phủ đường”… “Công sứ Vinh báo cáo không có hoạt động nào, chỉ có những tin đồn liên quan đến chiến tranh, với ý định cổ động giúp quân nổi dậy. Các tỉnh khác đều yên ổn”.

Việc không thành, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa vua ra khỏi Hà Trung, dự định đến Bà Nà hoặc Giá Vút để đưa vua ra nước ngoài tiếp tục mưu sự. Trong khi ấy, Nam triều và tòa Khâm sứ sau khi dập tắt mọi hành động phản kháng, biết vua Duy Tân dính líu, đóng vai trò chỉ huy trong cuộc khởi nghĩa, lập tức sai người truy lùng…/. (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 60, ngày 4/7/2016)

Đọc thêm