Hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(PLO) - Dẫn lại câu nói “Con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu chúng ta không gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, không phản ứng kịp thời trước các vấn đề đặt ra thì làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thông tin trên được Thủ tướng nêu ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, tổ chức vào sáng 1/8 vừa qua. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã giao ngay nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khóa mới với tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Xin hoan nghênh Thủ tướng và kỳ vọng!

Có lẽ chưa ở đâu cán bộ lãnh đạo đạt đến mức độ siêu đẳng về “đá bóng trách nhiệm” như ở Việt Nam. Báo cáo thành tích để nhận huân, huy chương của lãnh đạo nào cũng có công lao đóng góp của toàn ngành, nhưng ngộ nhỡ xảy ra “sự cố”, bao giờ lãnh đạo cũng tìm “trăm phương, ngàn kế” để “mũi né” về trách nhiệm. Đây là một câu chuyện “bi hài” của “hệ thống”.

Điều này xuất phát từ đâu?. Từ cơ chế “lãnh đạo tập thể”.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung.

Đảng ta xác định: “Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức lối sống”. 

Trách nhiệm cá nhân (người đứng đầu) như thế nào để thực hiện nguyên tắc “dân chủ tập trung” thì cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu lý luận vẫn lúng túng và trong các chế tài cụ thể vẫn rất nhiều lỗ hổng.

Trong tình hình đó, chúng ta đặc biệt hoan nghênh khi Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế của mình và đổi mới phương pháp làm việc, chủ động, quyết liệt, đề cao trách nhiệm cá nhân, làm việc vì sự nghiệp chung, vì lợi ích nhân dân.

“Nếu chúng ta không gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, không phản ứng kịp thời trước các vấn đề đặt ra thì làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Các bộ trưởng, là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các hoạt động, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình”, Thủ tướng yêu cầu.

Không thể kéo dài mãi tình trạng mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Môi trường của những người “chém gió vĩ đại” cần phải được loại bỏ. Đó là yêu cầu của cuộc sống, của “kiến tạo, hành động và phục vụ” mà Thủ tướng đã gửi đến xã hội, trước hết là yêu cầu bắt buộc đối với Chính phủ của ông!.

Đọc thêm