Đây là câu chuyện rất cũ.
Năm 2010, trong đánh giá của Bộ Nội vụ về thực hiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa 12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra rằng, nhiều Bộ không chỉ dôi dư mà còn đang có xu hướng tăng số thứ trưởng, số phó vụ trưởng.
Cụ thể, khi đó Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNN có tới 10 thứ trưởng, trong khi Chính phủ quy định không được quá 4 thứ trưởng. Các bộ khác như Ngoại giao, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cũng có tới 7 thứ trưởng. Ngay Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng có tới 6 vị, và nhiều bộ khác có 5 thứ trưởng. Nhiều bộ có số cán bộ cấp phó tại các vụ, cục cũng nhiều hơn quy định. Nhiều vụ có tới 7 – 8 phó vụ trưởng (quy định chung chỉ có 3).
Dùng từ “loạn” có lẽ còn nhẹ nhàng.
Theo kết quả rà soát tại Bộ NN&PTNT mới được công bố cho thấy, số xe phục vụ công tác chung theo tiêu chuẩn, định mức quy định của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ này là 276 xe, thừa 176 xe (còn so với báo cáo của Bộ là 452 xe) và thừa 265 xe (khi so với số liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước là 541 xe). Số xe ô tô chuyên dùng cũng thừa tới 39 xe. Cụ thể, theo định mức đã thoả thuận với Bộ Tài chính, số xe chuyên dùng được sử dụng tại Bộ chỉ là 204 xe, nhưng số lượng xe chuyên dùng được mua đã lên tới 243 xe.
Việc mua thừa xe ô tô phục vụ công tác chung cũng xảy ra ở Bộ Công Thương. So với định mức xe ô tô phục vụ công tác chung được duyệt là 135 xe thì số xe hiện có của Bộ thừa 57 xe. Dù đã mua thừa xe so với quy định, nhưng Bộ vẫn tiếp tục đề nghị trang bị thêm cho đơn vị thiếu xe ô tô so với định mức.
Trên diễn đàn Quốc hội đã nhiều lần đại biểu chất vấn đến thực trạng “loạn” cấp phó trong bộ máy hành chính nhà nước. Tiếc rằng, chưa thấy Bộ Nội vụ công bố số liệu các Phó Vụ trưởng/hàm Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng/hàm Vụ trưởng trong các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách. Chắc chắn sẽ có một con số “khủng khiếp”.
Gần như đang có tư tưởng coi ngân sách là “xôi làng”, đã cho nhau “hệ số lãnh đạo” thì phải cho đều? “Loạn sếp” ắt sẽ “loạn xe”.
Ngân sách đã phải è cổ nuôi 11 triệu công chức, viên chức; nay đang “gồng mình”. Không “căng” mới là bất bình thường. Không “cháy túi” mới là chuyện lạ!