Được “rót” hàng chục nghìn tỷ đồng
Lạng Sơn là tỉnh biên giới phía Bắc, nơi “phên dậu” Tổ quốc. Quan sát trên bản đồ sẽ thấy, địa phương này là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam nối Trung Quốc với các nước ASEAN và ngược lại. Lạng Sơn cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Lạng Sơn có trên 230km đường biên giới với Trung Quốc, với 12 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để giao thương hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội ngày càng thuận tiện, chỉ mất 2 - 3 tiếng đồng hồ di chuyển bằng đường bộ.
Những năm qua, hàng hóa cả nước xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn liên tục tăng trưởng hai con số. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm sau thường cao hơn năm trước. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt hơn 66 tỷ USD, tăng hơn 27% so với năm 2023. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Với tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay, việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu đang là yêu cầu cấp thiết đối với Lạng Sơn. Thực tế, tỉnh đang dồn nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng cửa khẩu.
Theo ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác định, kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực chính để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Khi kinh tế cửa khẩu phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành, lĩnh vực khác của tỉnh phát triển theo, cũng từ đó mà thu ngân sách tăng lên. Do đó, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn dồn nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu.
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Lạng Sơn đã bố trí hơn 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu. Những dự án được đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình, dự án cấp thiết, lan tỏa, mang lại hiệu quả cao. Một số dự án điển hình đã được đầu tư như tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; hai tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu tại Tân Thanh và Hữu Nghị; nâng cấp, cải tạo đường xuất, nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma; cải tạo nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị - Bảo Lâm...
Cũng theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, không chỉ vốn nhà nước được đầu tư nhiều vào khu vực kinh tế cửa khẩu, những năm qua còn chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân vào khu vực này. Những dự án được doanh nghiệp quan tâm đầu tư là các kho hàng, bãi trung chuyển, trung tâm logistics…
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ năm 2016 - 2023, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu là hơn 60.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023 đã huy động hơn 11.500 tỷ đồng đầu tư 12 dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu như khu trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan, khu chế xuất...
“Nhiều dự án đầu tư hạ tầng tại cửa khẩu đã hoàn thiện, nhiều dự án thì đang trong quá trình triển khai. Đây là những dự án góp phần hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế với nước bạn Trung Quốc. Tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vào những lúc cao điểm được khắc phục tốt hơn”, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho hay.
Theo ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã kêu gọi, có nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng khu vực cửa khẩu. Những chính sách này đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay tại khu vực cửa khẩu của tỉnh, có 39 doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, bãi xe. Cụ thể, hiện các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa, gồm 8 kho lạnh và 20 kho khô. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng 23 bến bãi xe lớn nhỏ tại khu vực cửa khẩu.
Nhờ những dự án, công trình trên mà năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn không ngừng được cải thiện. Từ năm 2020 đến nay, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có năng lực thông quan tăng hơn hai lần. Khu vực Tân Thanh thông quan đạt từ 600 đến 700 xe/ngày. Năng lực thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma đạt trung bình 600 xe/ngày. Đối với cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng có thể đạt 120 toa xe chở hàng/ngày.
Tiếp tục những dự án “siêu khủng”
Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, kinh tế cửa khẩu trong nhiều năm qua luôn có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, thu ngân sách từ kinh tế cửa khẩu luôn chiếm 60 - 70% thu ngân sách toàn tỉnh. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, phát triển kinh tế cửa khẩu, có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư rót vốn. Đồng thời, ngân sách nhà nước cũng được bố trí hợp lý để phát triển những dự án trọng điểm, quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay Lạng Sơn đang dồn sức cho dự án cửa khẩu thông minh. Đây là dự án được Chính phủ giao cho Lạng Sơn thực hiện thí điểm, có tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn vào khoảng gần 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là hơn 700 tỷ đồng, còn lại huy động vốn tư nhân. “Hiện dự án đang được triển khai rất tích cực”, ông Sơn nói và cho biết, dự án đến năm 2026 sẽ xây dựng xong cơ sở hạ tầng và đi vào thí điểm vào năm 2027.
|
Lực lượng Hải quan làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu. |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, đây là dự án được kỳ vọng rất lớn, khi hoàn thành sẽ giúp hàng hóa thông quan giữa Việt Nam và Trung Quốc thuận tiện, nhanh chóng thông qua phương thức tự động, không người lái. Dự án này đặt mục tiêu đưa Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm vùng Đông Bắc; đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Phấn đấu đến năm 2030, năng lực thông quan gấp 4 - 5 lần hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu thông minh đạt khoảng 110 tỷ USD. Đồng thời, cửa khẩu thông minh giúp giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn cho biết, thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục có những chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh, trong đó có thu hút vào các dự án hạ tầng, dịch vụ khu vực cửa khẩu. “Chúng tôi đang nỗ lực biến khu vực cửa khẩu Lạng Sơn thành khu giao thương hàng hóa hiện đại, sôi động, lớn nhất giữa Trung Quốc với nước ta và khu vực ASEAN”, ông Sơn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn cho biết, hiện nay khu vực cửa khẩu đang có nhiều doanh nghiệp logictics tham gia đầu tư các dự án án. Cụ thể, doanh nghiệp Xuân Cương và Bảo Nguyên đang có kế hoạch mở rộng khu vực kho bãi lên đến hàng trăm ha ở khu vực Hữu Nghị và Tân Thanh. Đặc biệt, dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn vừa hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Ngay sau đó, Tập đoàn Viettel đã thuê lại hạ tầng này để phát triển thành trung tâm logictics.
Theo đại diện Tập đoàn Viettel, trung tâm này gọi là công viên logistics, quy mô lớn nhất Việt Nam. Trọng tâm dự án là hạ tầng số hóa và quản lý thông minh, được triển khai tại các phân khu chức năng quan trọng nhất của công viên. Cụ thể, trung tâm điều hành NOC tích hợp giải pháp số hóa toàn diện để giám sát và điều phối mọi hoạt động. Tại đây, hơn 2.000 camera cùng hệ thống quản lý thông minh cung cấp dữ liệu thời gian thực, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành… Được biết, giai đoạn 2 của dự án công viên logistics sẽ được mở rộng lên đến hơn 143ha, tổng số vốn của cả hai giai đoạn là hơn 3.300 tỷ đồng.