Hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tin giả trong kỷ nguyên số

(PLVN) - LTS: Kể từ khi mạng xã hội ra đời, việc lan truyền tin giả trở lên dễ dàng và nhanh chóng. Các chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới ngày càng lo lắng trước tình trạng lan truyền thông tin giả mạo trên mạng Internet và tác động của nó đối với mọi thứ, từ thị trường chứng khoán đến các cuộc bầu cử, đến sự bất an của công chúng… Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ này, đòi hỏi các cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp luật để phòng, chống tin giả một cách hiệu quả.
Tháng 12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” . (Ảnh minh hoạ)
Tháng 12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” . (Ảnh minh hoạ)

Kỳ I: Nhận diện tin giả

Trên không gian mạng, tin giả không chỉ xuất hiện một cách vô tình, mà còn có chủ đích ở mọi lĩnh vực: an ninh, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội…, đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý.

Tin giả, hậu quả thật

Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội.

Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tin giả không phải là hiện tượng mới có gần đây. Trên thực tế, lịch sử ghi lại “cuộc chiến thông tin sai lệch” có từ thời La Mã cổ đại. Tuy vậy, đến thế kỷ XXI chúng ta mới chứng kiến việc “vũ khí hóa” thông tin ở quy mô chưa từng có. Về mặt lịch sử, tin tức giả mạo bùng nổ cùng thời điểm tin tức bắt đầu lan truyền rộng rãi, sau khi Johannes Gutenberg sáng chế ra máy in vào năm 1439. Vào thời điểm đó, rất khó để chứng thực thông tin có phải là thật hay không. Đấy là lý do tại sao mọi người phải chú ý đến những gì họ đang đọc. “Ngay từ đầu, tin giả đã có xu hướng vừa gây sốc vừa cực đoan, với mục đích khuấy động cảm xúc và thành kiến” - GS.TS Nguyễn Tuấn Anh nhận định.

Với sự phát triển của Facebook, Google, Zalo…, khi mỗi người đều có thể vừa là người đọc tin, vừa là người sản xuất thông tin trên mạng xã hội thì các thông tin không kiểm chứng, tin giả dễ dàng được phát tán và khó có khả năng kiểm soát.

Tối 10/7/2022, một số tài khoản mạng xã hội đăng tin ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh. Tin đồn này tung ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng ở Việt Nam đang siết chặt xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân khiến dư luận nửa tin nửa ngờ. Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam không cần kiểm chứng thông tin, lập tức chia sẻ, lan truyền thông tin thất thiệt này. Ngay trong ngày 11/7/2022, đại diện Bộ Công an đã lên tiếng khẳng định đó là tin sai sự thật. Kết quả, người tung tin giả về ông Phạm Nhật Vượng bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Những tin giả với cách thức “giả như thật”, có “một phần sự thật” trong lĩnh vực y tế, giáo dục… trong thời gian qua cũng khiến nhiều người “mắc bẫy”.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hồi giữa tháng 2 vừa qua, trình bày về tình hình thị trường bất động sản và đề xuất giải pháp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dựng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác; doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin... Thủ đoạn phổ biến là tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

“Đại dịch thông tin”

Các quốc gia khác trên thế giới cũng ghi nhận nhiều ảnh hưởng từ tin giả, tin sai sự thật. Trước, trong và sau các kỳ bầu cử quan trọng ở các nước thường là khoảng thời gian tin giả, tin sai sự thật được phát tán một cách mạnh mẽ.

Tại Mỹ, ngay từ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào tháng 11/2022, trên các mạng xã hội tại nước này đã xuất hiện nhan nhản tin tức giả mạo, “đánh” vào sự thiếu hiểu biết của người dùng về quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu. Những tin tức như vậy lan truyền chóng mặt trước khi bị gỡ bỏ. Đặc biệt, trong những tháng đầu của dịch bệnh COVID-19, việc phổ biến tin tức giả mạo đã trở thành nghiêm trọng trên khắp thế giới. Tại thời điểm đó, những thông tin giả, tin đồn về các biện pháp phòng, chữa bệnh phi khoa học và phản đối vaccine đã thu hút được một lượng lớn người theo dõi trực tuyến.

Tại Colombia, Văn phòng Liên Hợp quốc tại đây đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng người dân ở một số nước thuộc khu vực Mỹ Latin đã bị lôi kéo chia sẻ dữ liệu cá nhân bằng các tin nhắn WhatsApp có nội dung: “Hãy ở nhà, Liên Hợp quốc sẽ mang thức ăn đến cho bạn”. Ngoài ra, một số người còn kéo đến văn phòng Liên Hợp quốc với hy vọng được cho đồ ăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng cho rằng, tin giả là “căn bệnh thứ hai” cùng tồn tại với dịch bệnh COVID-19, đến mức nó trở thành “đại dịch thông tin”. Ông Ghebreyesus cảnh báo: “Những thông tin giả mạo giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời”, rằng “tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.

Trước tình hình đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2022, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo các Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật. Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng.

Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ Công an khuyến cáo việc phát ngôn trên mạng

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an phát biểu tại buổi họp báo.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an phát biểu tại buổi họp báo.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/3/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên về những khuyến cáo của Bộ Công an khi Cơ quan công an đã khởi tố thêm một số đối tượng trong vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh: "Mọi công dân chỉ nên chia sẻ các thông tin chính thống, có nguồn tin tin cậy, có hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống đạo đức văn hóa của dân tộc, không sử dụng các ngôn ngữ gây hằn thù, kích động và không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích, hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nếu lợi dụng các quyền đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Trước đó, ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội những nội dung thông tin không kiểm chứng, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Ngăn chặn, triệt phá tin giả, thông tin xấu độc là nhiệm vụ cấp thiết!

PGS TS Lê Văn Lợi.

PGS TS Lê Văn Lợi.

“Tin giả là vấn đề xã hội, từ lâu đã là vấn đề gây nhức nhối đối với các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội. Với sự phát triển của không gian mạng hiện nay, tin giả càng được lan truyền nhanh chóng, tác động, ảnh hưởng đến các lĩnh vực hoạt động xã hội, đe dọa sự an toàn của các tổ chức, cá nhân, gây tác hại ngày càng nguy hiếm, khó lường. Bên cạnh các tin giả xuất phát từ sự nông nổi, thiếu hiểu biết của người phát tán, còn xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc với ý đồ phá hoại uy tín của tổ chức, cá nhân, tiến công vào hệ thống chính trị, vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do vậy, ngăn chặn, triệt phá tin giả, thông tin xấu độc là nhiệm vụ cấp thiết”.

Đọc thêm