Hoàn thiện pháp luật về hòa giải và trọng tài thương mại

(PLVN) -Sáng 30/5, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn chủ trì Hội thảo.
Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn chủ trì Hội thảo (Ảnh pv)

Hòa giải và trọng tài chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn nêu rõ, trên thế giới, phương thức giải quyết tranh chấp hòa được các cá nhân, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn với nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo mật, giúp cho các bên tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, kinh doanh. Đối với các nước phát triển, phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phát triển và đạt được kết quả tốt. Ở Việt Nam, thông qua Luật Trọng tài từ năm 2010, có hiệu lực năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại... tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động trọng tài, hòa giải chưa thực sự phát triển, hoạt động giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải và trọng tài chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn bày tỏ mong muốn Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu tham dự chủ động trao đổi, thảo luận về thực trạng quy định của pháp luật, thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam, đồng thời, đề xuất các định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam.

Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Về thực trạng quy định của pháp luật, thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam, ThS.LS Nguyễn Hưng Quang – Giám đốc Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam nêu rõ, nhu cầu của thị trường và khả năng đáp ứng của đội ngũ hoà giải viên thương mại chuyên nghiệp chưa đáp ứng được thực tế, mặc dù đã có nhiều trung tâm hoà giải thương mại hay trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải thương mại, số lượng vụ việc giải quyết bằng hoà giải thương mại còn ít trong các năm vừa qua, việc này có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: nhận thức của doanh nghiệp về phương thức giải quyết tranh chấp mới, một số quy định pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải thương mại còn chưa được rõ ràng; khung pháp luật về hoà giải hiện nay còn một số các quy định cần phải được hoàn thiện để tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải thương mại…

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại

Để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam, LS Nguyễn Hưng Quang cho rằng hệ thống Toà án cần hình thành một đội ngũ Thẩm phán ở Toà án các cấp có kiến thức và hiểu biết về kinh doanh thương mại để có thể hỗ trợ cho các hoạt động hoà giải thương mại ngoài Toà án; quy định pháp luật về bảo đảm tính bí mật của hoà giải cần phải được củng cố hơn nữa; nghiên cứu xây dựng một bộ quy tắc khung về đạo đức và ứng xử của hòa giải viên của các tổ chức hòa giải thương mại; nhà nước cần có các chính sách tài trợ, ưu đãi cho hoạt động của các trung tâm hòa giải thương mại.

LS Nguyễn Hưng Quang phát biểu tại Hội thảo

Về thực trạng pháp luật về trọng tài thương mại ở Việt Nam, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, phương thức trọng tài đang có những bước phát triển lớn và đang mang lại nhiều giá trị phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật trọng tài thương mại hiện hành vẫn còn một số hạn chế về thỏa thuận trọng tài; thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại; về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và cơ chế trọng tài viên khẩn cấp; căn cứ hủy phán quyết trọng tài.

GS.TS Lê Hồng Hạnh phát biểu tại Hội thảo

Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế trọng tài GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh, pháp luật hiện hành cần mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với việc thực hiện tối đa quyền tự do lựa chọn thiết chế giải quyết tranh chấp. GS.TS Lê Hồng Hạnh nêu rõ, đây là xu hướng phát triển của pháp luật trọng tài của các quốc gia trên thế giới. Tranh chấp trong các lĩnh vực cụ thể như cấp bằng sáng chế, chống độc quyền và phá sản cần được giải quyết bằng trọng tài. Tranh chấp phát sinh từ các giao dịch song phương trong lĩnh vực luật tư có thể được giải quyết bằng trọng tài theo quy định của quốc gia và luật trọng tài quốc tế.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cần quy định rõ ràng và cụ thể các nghĩa vụ của các thiết chế chính thức (thiết chế nhà nước) trong việc đảm bảo sự tôn trọng tối đa thỏa thuận của các bên về thẩm quyền trọng tài. Quy định “trọng tài tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu chúng không vi phạm những điều cấm của pháp luật và trái với đạo đức xã hội” còn khá mơ hồ và cần được sửa đổi để khắc phục những bất cập trong thi hành.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận các nội dung về thẩm quyền trọng tài và hội đồng trọng tài trong đánh giá chứng cứ; cơ chế khuyến khích giảng dạy, đào tạo kiến thức cho đội ngũ trọng tài viên; khung pháp luật và cơ chế bảo đảm cho hoà giải thương mại; thẩm quyền trọng tài và hủy phán quyết trọng tài…

Đọc thêm