Hoàn thiện thể chế khoa học - công nghệ: Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững

(PLVN) - Góp ý xây dựng Dự án Luật Khoa học và Đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cho rằng, hoàn thiện thể chế khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW là yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó, cần tạo hành lang pháp lý, “cởi trói” cho hoạt động tổ chức khoa học - công nghệ.
PGS.TS Vũ Văn Phúc.
PGS.TS Vũ Văn Phúc.

Thể chế cần đi trước một bước

Nhằm xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH-CN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia, Bộ KH-CN đã xây dựng Dự án Luật KH-CN và ĐMST. Luật được xây dựng nhằm tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống ĐMST quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội và đóng góp cho nhân loại. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa KH-CN và ĐMST thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Góp ý tại Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật KH-CN và ĐMST” do Trường ĐH Ngoại thương phối hợp với Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học Công nghệ (Học viện KH-CN và ĐMST, Bộ KH-CN) tổ chức mới đây, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong bối cảnh mới, việc sửa đổi Luật lần này không chỉ thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng ban hành mà còn phải kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, KH-CN và ĐMST phải trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện; các nhà khoa học là nhân tố then chốt, còn doanh nghiệp và người dân là trung tâm của quá trình ĐMST. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào thực tế. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế, tăng cường các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực KH-CN.

Cũng theo ông Phúc, Nghị quyết 57-NQ/TW nhấn mạnh, thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ĐMST. Trong đó, thể chế cần đi trước một bước để tạo môi trường thuận lợi, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”. Các chính sách cần được xây dựng theo hướng khuyến khích sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với xu hướng công nghệ mới. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp KH-CN phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cần có nhiều quyền tự chủ hơn trong hoạt động KH-CN. Cơ chế hợp tác công - tư cũng cần được phát triển để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách tài chính phù hợp, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số.

“Cởi trói” cho tổ chức KH-CN

Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, hệ thống thể chế KH-CN, đặc biệt là cơ chế tổ chức và vận hành các tổ chức KH-CN cần được hoàn thiện. Điều này không chỉ tạo nền tảng chính trị và pháp lý vững chắc hơn cho việc thành lập, quản lý và điều hành các tổ chức KH-CN và ĐMST tại Việt Nam, mà còn là tiền đề quan trọng giúp các tổ chức này “cởi trói”, hoạt động trong một hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy động lực phát triển và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

Hoàn thiện thể chế KH-CN và ĐMST nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH-CN. (Ảnh minh họa)

Hoàn thiện thể chế KH-CN và ĐMST nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH-CN. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế về tổ chức KH-CN là cần thiết để đáp ứng những thay đổi trong bối cảnh mới, PGS.TS Tào Thị Quyên cho rằng, cần sửa đổi quy định về đăng ký hoạt động KH-CN, chỉ áp dụng cho các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các tổ chức khác như doanh nghiệp hay tổ chức giáo dục, y tế không cần đăng ký nếu đã được thành lập theo quy định chuyên ngành. Điều này giúp Nhà nước xác định chính xác các tổ chức KH-CN để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, phát triển các đơn vị nghiên cứu mạnh đạt tầm khu vực và thế giới.

Tổ chức nghiên cứu phát triển cần hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn hay hưởng lợi tức, mà tái đầu tư để phát triển. Các tổ chức dịch vụ KH-CN ngoài công lập có thể chuyển đổi theo hướng đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, sau đó tiến tới mô hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức KH-CN cũng cần được quy định rõ, tránh lặp lại các quyền và nghĩa vụ chung của các tổ chức tham gia hoạt động KH-CN.

Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế đặc thù cho phép viên chức trong tổ chức KH-CN công lập tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu, tạo động lực để hoàn thiện công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Xây dựng cơ chế tự chủ phù hợp cho tổ chức KH-CN công lập cũng là một yêu cầu quan trọng. Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để các tổ chức này hoạt động theo chức năng, đồng thời trao quyền tự chủ toàn diện dựa trên kết quả đánh giá theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ KH-CN. Bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành cơ chế tự chủ toàn diện về tài chính, nhiệm vụ, bộ máy, nhân sự và hợp tác quốc tế cho các tổ chức KH-CN công lập.

Không yêu cầu tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hoàn trả ngân sách nhà nước nếu đã sử dụng kinh phí đúng quy định và thực hiện đầy đủ nội dung nghiên cứu theo quy trình, dù không đạt kết quả cuối cùng, nhằm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, bổ sung các quy định về KH-CN trong cơ sở giáo dục đại học để tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và gắn kết với doanh nghiệp. Cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu viên sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh và học viên thạc sĩ thông qua học bổng và nhiệm vụ tài trợ nghiên cứu từ ngân sách nhà nước…

Nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế về tổ chức KH-CN rất cần sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các cơ quan, các tổ chức KH-CN, các cá nhân hoạt động KH-CN để thể chế về tổ chức KH-CN phù hợp với thực tiễn, khả thi, PGS.TS Tào Thị Quyên cho rằng, cùng với việc hoàn thiện thể chế đối với tổ chức KH-CN theo các định hướng được đề xuất nêu trên cần đi đôi với việc đổi mới công tác quản lý tổ chức KH-CN theo hướng giao quyền chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động KH-CN và ĐMST, đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về KH-CN và ĐMST.

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để lực lượng hoạt động KH-CN và ĐMST nói chung, trong đó có các tổ chức KH-CN cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm thích ứng với bối cảnh mới và đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ

Xây dựng Dự án Luật KH-CN và ĐMST, Bộ KH-CN cho biết, dự thảo quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ. Tổ chức, cá nhân chủ trì, người phê duyệt nhiệm vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước trong quá trình phê duyệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước; tổ chức chủ trì không phải bồi hoàn kinh phí đã sử dụng. Dự thảo cũng quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các dự án thí điểm về KH-CN và ĐMST trong điều kiện thực tế và thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới để hoàn thiện trong thời gian và không gian nhất định với sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bổ sung quy định về chuyển đổi số trong hoạt động KH-CN và ĐMST; bổ sung quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và nguyên tắc hoạt động của Quỹ.

Dự thảo bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH-CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong một thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ. Trong thời gian làm việc tại các tổ chức này vẫn được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua, khen thưởng tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đây là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đọc thêm