Còn chồng chéo trong hệ thống pháp luật KHCN
Vừa qua, tại Hội nghị thường niên năm 2024 “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST”, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST. Đặc biệt, trong phát biểu về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một trong các giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế là “Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy KH,CN&ĐMST làm động lực chính cho phát triển”… TS. Phan Chí Hiếu cho rằng, việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển KH,CN&ĐMST còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn như một số chính sách còn chậm thể chế hóa. Hệ thống pháp luật về KH&CN chưa đảm bảo tính thống nhất. Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với vai trò là quốc sách hàng đầu của KH&CN. Chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh các nhà khoa học còn nhiều hạn chế…
Về đầu tư cho KH,CN&ĐMST, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, thời gian qua, đã có sự thu gọn về đầu mối các tổ chức KH&CN công lập. Trong đó, có hơn 40 tổ chức KH&CN công lập được tổ chức SCIMAGO xếp hạng vào năm 2024. Đặc biệt, nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển có xu hướng tăng, tập trung nhiều vào khu vực tổ chức giáo dục đại học và khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước đã tăng cường đầu tư nguồn lực vào KH&CN, nâng cao tiềm lực nghiên cứu giúp KH&CN Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ.
Theo Thứ trưởng, để khai thác tối đa tiềm lực KH&CN, ngoài việc đẩy mạnh các công bố quốc tế trên các tạp chí hàng đầu trên thế giới, cần quan tâm hơn tới công bố trên các tạp chí của Việt Nam đã vào danh sách Scopus và các tạp chí chuyên ngành quốc gia uy tín. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công bố khoa học. Đẩy mạnh chuyển giao kết quả khoa học - định giá tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu. Xây dựng và thực thi các quy định về đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật để đảm bảo sự phát triển bền vững của KH&CN trong nước.
Chia sẻ về hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, GS. TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất tăng cường đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cao nhằm mục đích chuyển giao cho doanh nghiệp sau khi hoàn thiện công nghệ; tham gia, tổ chức các hội nghị chuyên đề quốc tế về các lĩnh vực KH&CN trọng điểm; xúc tiến các hoạt động nghiên cứu KH&CN với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài…
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh thì những bất cập nổi bật của hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể về sự thiếu thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật KHCN khiến việc quản lý các hoạt động KH&CN trở nên phức tạp, các đơn vị quản lý khó phối hợp và điều hành, dẫn đến chồng chéo trong nhiệm vụ và nguồn lực. Ngoài ra, Luật KHCN chưa thể hiện đầy đủ vai trò của khoa học xã hội, khiến lĩnh vực này thiếu sự ưu tiên và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài trợ. Các quy định tài chính chưa linh hoạt, không cập nhật với chi phí thực tế, gây trở ngại cho hoạt động nghiên cứu. Hơn nữa, thiếu các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Cùng đó, các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, làm suy giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu.
Để khắc phục, PGS Nguyễn Đức Minh đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp và toàn diện, thúc đẩy khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững và khẳng định: cần có những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng tạo lập môi trường thuận lợi hơn nữa (cả về chính sách và thực tiễn) cho KH,CN&ĐMST. Nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện chế độ, chính sách với các cơ chế đặc thù, vượt trội đối với đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chiến lược, chính sách để thực hiện tốt mục tiêu thu hút, sử dụng, giữ chân nhân tài. Cần có cơ chế chi thu nhập tăng thêm riêng cho đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ, nghiên cứu chiến lược, chính sách tại các cơ sở nghiên cứu theo năng lực, hiệu quả công việc. Cần có chính sách tăng tỷ lệ viên chức ngạch nghiên cứu là nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp; cho góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp khoa học, công nghệ; hỗ trợ về nhà ở. Nhân tài được chủ động đề xuất nhiệm vụ khoa học và được cấp kinh phí thực hiện; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số nhiệm vụ khoa học.
PGS.TS. Minh cũng cho rằng, để phát triển, cần mở rộng đối tượng được kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với các cá nhân có trình độ, năng lực vượt trội, có công trình, sản phẩm, thành tích, cống hiến thiết thực đối với sự phát triển KH,CN&ĐMST, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học; quan tâm, tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý kế cận...
Từng bước hoàn thiện thể chế
Tạo thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa - Nguồn: chinhphu.vn) |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Đây được coi là yếu tố thuận lợi trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đồng thời cũng là nhiệm vụ lớn phải hoàn thành đối với các Bộ, ngành nói chung.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về KH,CN&ĐMST đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Bộ KH&CN đang tích cực triển khai xây dựng 04 dự án Luật/hồ sơ đề nghị xây dựng luật (bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật KH,CN&ĐMST; Luật Chất lượng SP,HH; Luật Năng lượng nguyên tử), đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ, của ngành KH&CN, được thực hiện trong thời gian dài với trình tự, thủ tục gồm nhiều bước, cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Đó là đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong triển khai, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ theo định hướng tại Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Đặc biệt là cơ chế, chính sách có liên quan đến các vấn đề trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Net Zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo…
Cùng với đó, việc tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân lực, nhân tài KH&CN, tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, mở rộng hội nhập quốc tế trong hoạt động nghiên cứu để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, sẽ tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KH,CN&ĐMST.
Cùng với tăng cường xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Việt Nam, tạo ra môi trường nghiên cứu sôi động, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Và hoàn thiện các cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển KH,CN&ĐMST, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.