Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới tác động của CMCN 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản

(PLVN) - Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những chế định pháp lý cơ bản trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới tác động của CMCN 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản” do TS. Phan Chí Hiếu và TS. Nguyễn Văn Cương làm đồng chủ biên.

Nền kinh tế ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều được vận hành với sự chi phối của thể chế kinh tế nhất định. Từ khi tiến hành đường lối Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong đổi mới thể chế phát triển kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung - bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 với những công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big data)... đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 không chỉ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt của mỗi người dân, cách thức đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ mà cả cách thức quản trị quốc gia của Nhà nước.

Cuốn sách gồm 04 chương với những nội dung sâu sắc về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới tác động của CMCN lần thứ tư - từ góc nhìn pháp lý.

Cuốn sách gồm 04 chương với những nội dung sâu sắc về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới tác động của CMCN lần thứ tư - từ góc nhìn pháp lý.

Đối với pháp luật, CMCN 4.0 làm thay đổi sâu sắc tư duy, cách thức xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nội dung của nhiều lĩnh vực pháp luật. Những diễn biến mới của nền kinh tế chia sẻ; việc tạo lập, quản lý, chia sẻ các cơ sở dữ liệu thông tin (nhất là thông tin cá nhân); việc xuất hiện các loại tài sản mã hóa, các phương tiện thanh toán mới; việc xuất hiện các dạng tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm mới trên môi trường số làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật mới mà hệ thống pháp luật truyền thống chưa dự liệu hết.

Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của CMCN 4.0 cũng tác động trực tiếp tới cách thức xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi việc xây dựng, thực thi và phản ứng chính sách phải nhanh chóng, kịp thời hơn. Dư địa để ứng dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 trong phân tích, dự báo, hoạch định, soạn thảo chính sách, pháp luật, tham vấn công chúng, thảo luận, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đều rất rộng lớn.

Nhận thức được nhu cầu đó, các quốc gia trên thế giới đã có những ứng phó rất đa dạng. Chẳng hạn, các quốc gia công nghiệp phát triển đều có những chương trình hành động để nắm bắt các cơ hội mà cuộc CMCN này mang lại và đề ra những biện pháp ứng phó cụ thể.

Ở Việt Nam, chủ trương chính thức về việc ứng phó với cuộc CMCN lần thứ tư đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư và gần đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.

Cuốn sách gồm 04 chương với những nội dung lớn như sau:

(i) Những vấn đề lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới tác động của CMCN lần thứ tư - từ góc nhìn pháp lý.

(ii) Kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới tác động của CMCN lần thứ tư.

(iii) Thực trạng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam dưới tác động của CMCN lần thứ tư.

(iv) Bối cảnh, định hướng, giải pháp và các kiến nghị hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam dưới tác động của CMCN lần thứ tư.

Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp: Số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; hoặc số 200C, đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TP Hồ Chí Minh. Hotline: 0989819688.

Đọc thêm