Ngày 15/11, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới”, mã số KX.05/21-30, phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới”.
Tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm chương trình KX.05/21-30 cho biết, Chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo đồng bộ, dân chủ, khả thi, giải phóng tiềm năng và tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
|
GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm chương trình KX.05/21-30 phát biểu khai mạc. |
Chương trình hướng đến mục tiêu nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về thể chế, về cấu trúc, loại hình thể chế, mối quan hệ tương tác giữa các loại hình thể chế, giữa thể chế và phát triển làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nhận diện đầy đủ những yếu tố mới tác động đến việc hoàn thiện thể chế phát triển; tổng kết và đánh giá tổng thể, cụ thể thực trạng hệ thống thể chế hiện hành, phát hiện những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thể chế hiện hành, các điểm nghẽn về thiết kế hệ thống thể chế và tổ chức thực hiện thể chế làm suy giảm động lực phát triển đất nước; luận giải và đề xuất hệ thống quan điểm, phương hướng, giải pháp đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kiến tạo phát triển, giải phóng mọi tiềm năng xã hội, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội thảo, TS Hà Quang Trường, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới, hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia. Nhiều thể chế mới đã được ban hành, đồng thời nhiều thể chế cũ đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, thể chế quản trị quốc gia ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thể chế quản trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần phải đổi mới, xây dựng, hoàn thiện theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Bảo đảm thực hiện pháp luật hiệu quả, nghiêm minh và nhất quán
Theo ông Hà Quang Trường, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, để xây dựng thể chế quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế chính trị. Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, định hướng chiến lược phát triển của Đảng, đây là nhân tố quyết định trong việc lãnh đạo xây dựng và thực thi hiệu lực, hiệu quả thể chế quản trị quốc gia; Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế trong điều kiện mới là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước; Hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc “Nhà nước mạnh, thị trường hiệu quả, xã hội năng động, sáng tạo”; nhằm tạo sự cộng hưởng phát huy những mặt mạnh của Nhà nước, thị trường và xã hội; đồng thời, hạn chế, khắc phục những bất cập. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển xã hội. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát huy cao độ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và trong hoạt động “tự chủ - tự quản” theo pháp luật, vì lợi ích của các thành viên.
Chia sẻ về vấn đề đổi mới và hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện pháp luật hiệu quả, nghiêm minh và nhất quán đáp ứng yêu cầu tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới, TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, thiết yếu đối với sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia.
|
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương chia sẻ tại hội thảo. |
Thời gian tới, theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương, cần đánh giá thực trạng hiệu quả, tính nghiêm minh và sự nhất quán trong thực hiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân của hạn chế, bất cập; đánh giá thực trạng thể chế bảo đảm thực hiện pháp luật hiệu quả, nghiêm minh và nhất quán ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, nhất là các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, các quy định tố tụng về xử lý tội phạm và giải quyết tranh chấp, các quy định về thi hành án hình sự và dân sự.
Đồng thời, đánh giá kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo đảm thực hiện pháp luật hiệu quả, nghiêm minh, nhất quán và kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện pháp luật hiệu quả, nghiêm minh, nhất quán và giá trị tham khảo cho Việt Nam.
|
GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong điều kiện mới phải dựa vào các luận điểm lý luận nhất định. Theo đó, có những luận điểm cơ bản như: mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là một trong mười mối quan hệ lớn, xuyên suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần phải được giải quyết trong quá trình phát triển đất nước; cần phải xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, vai trò làm chủ của Nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong quá trình phát triển đất nước; bảo đảm chủ quyền nhân dân, quyền lực nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhân của đất nước, Nhân dân làm chủ đất nước, không ai có thể thay thế được.