[links()]Tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường Global Witness ngày 13/5 đã công bố một báo cáo nhằm cáo buộc 2 doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp tại Lào và Campuchia. Hoàng Anh Gia Lai cũng bị cáo buộc đưa hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng để chiếm đoạt đất của dân và khai thác gỗ bất hợp pháp.
Đại diện Global Witness cho biết, thứ nhất, cáo buộc dựa trên bản điều tra ý kiến người dân địa phương sống gần khu đất trồng cao su, thuộc các chi nhánh của Hoàng Anh Gia Lai hoặc công ty liên quan tại Campuchia và Lào. Thứ hai, Global Witness cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai theo ảnh chụp vệ tinh. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy trước khi Hoàng Anh Gia Lai được phân đất, nơi này vẫn là khu rừng được pháp luật Campuchia và Lào bảo vệ. Phần rừng sau đó đã biến mất.
Global Witness cáo buộc HAGL: chưa có giá trị pháp lý! |
Thứ ba, theo Global Witness, bằng chứng quan trọng nhất chính là bản cáo bạch do chính Hoàng Anh Gia Lai công bố khi niêm yết ở sàn chứng khoán London. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận hoạt động kinh doanh tại Lào, Campuchia chưa hoàn toàn phù hợp với luật pháp các nước sở tại. Đặc biệt, Hoàng Anh Gia Lai cũng nêu trong báo cáo về việc một số dự án đang triển khai chưa có giấy phép cần thiết cũng như sự chấp thuận của chính phủ các nước.
Phản bác trước cáo buộc trên, ông Phay Siphan - Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia khẳng định: “Báo cáo của Global Witness nhằm mục đích sỉ nhục và cáo buộc Chính phủ. Chính sách phát triển nông nghiệp Campuchia không chỉ riêng cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các Công ty Việt Nam. Việc nhượng đất đều dựa trên hai yếu tố cơ bản là khả năng tài chính đầu tư và tính chuyên nghiệp phát triển”.
Còn ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL khẳng định: “Cáo buộc trên là hoàn toàn không chính xác, vô căn cứ”. Trả lời báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: “Theo quy định tại Lào và Campuchia, gỗ trên đất làm dự án là của nhà nước, HAGL chỉ được phép thuê đất trong 50 năm. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng cho thuê đất, chính phủ thuê một doanh nghiệp nào đó khai thác gỗ trên đất, sau đó tổ chức bán đấu giá số gỗ khai thác. HAGL chỉ nhận đất sạch chứ không đụng vào bất cứ một cây gỗ nào. Và xin nói rõ là dù được phép tham gia đấu giá mua gỗ này nhưng HAGL đã từ chối tham gia.Thông tin này muốn kiểm tra không khó. Chỉ cần đến bộ lâm nghiệp các quốc gia này kiểm tra, xem họ đã ký cho doanh nghiệp nào khai thác, rồi số gỗ này đã bán cho ai...Tôi xin khẳng định rõ HAGL không tham gia khai thác gỗ, cũng không mua gỗ tại bất cứ khu đất làm dự án nào”.
Quang Minh