Nỗ lực bảo tồn của các ngành chức năng
Hoàng đàn Hữu Liên còn gọi là hoàng đàn Lạng Sơn có tên khoa học là Cupressus tonkinensis, là loài thực vật hạt trần. Hoàng đàn Hữu Liên có thể cao tới 40m, đường kính gốc từ 1 - 2m. Tán lá rậm rạp, thường có các cành nhỏ sắp xếp thành mặt phẳng, rủ lòng thòng bao gồm các chồi non màu xanh lục tươi, rất mảnh dẻ, hơi dẹt.
Hoàng đàn là cây có giá trị cao vì cho chất gỗ mềm, nặng vừa, ít co rút, cong vênh, không mối mọt, mùi thơm dịu, được ưa dùng làm đồ mỹ nghệ cao cấp, đồ thờ cúng (bài vị, đồ thờ tế, làm hương…), tinh dầu được dùng làm thuốc, nước hoa... Cũng chính vì đa giá trị nên hoàng đàn đã bị khai thác đến mức kiệt quệ.
Theo ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, trước đây đã có đề tài khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 27 cá thể ngoài tự nhiên, 27 cá thể này đã được định vị. Do tính chất đặc hữu nên những cây hoàng đàn này chỉ có ở xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).
Cây non sau khi nảy mầm được người dân cẩn thận đưa lên bầu đất để chăm sóc. |
“Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn là giống cây đặc hữu và nằm trong đối tượng được bảo vệ và mở rộng. Thời gian qua chúng tôi đã có đề án phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó có việc nhân giống loài cây đặc hữu này. Thứ nhất là bảo tồn nguồn giống, trên cơ sở đó nhân giống về các vùng đặc hữu mà chúng tôi đang quản lý và bảo vệ. Thứ hai là mở rộng vùng trồng hoàng đàn”, ông Hưng cho biết.
Cũng theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, việc bảo tồn cây hoàng đàn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tỉnh hết sức quan tâm. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ xem xét xây dựng tiếp một đề án giai đoạn 2026 - 2030 dành riêng cho việc khôi phục và mở rộng diện tích giống cây đặc hữu này.
18 cá thể cây hoàng đàn Hữu Liên ngoài tự nhiên được BQL rừng đặc dụng Hữu Liên dùng để lấy hạt ươm giống. |
Theo ông Hoàng Doãn Phú, cán bộ Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hữu Liên: Từ năm 2013 đến nay, BQL rừng đặc dụng Hữu Liên đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm nhiều phương pháp nhân giống như: gieo hạt, giâm hom, chiết cành... Mỗi phương pháp đều có lợi điểm riêng, song đơn vị nhận định phương pháp gieo hạt là phù hợp nhất, giúp cây con có khả năng thích ứng với điều kiện ngoại cảnh, tạo cơ sở cho công tác lai tạo sau này. Do đó, BQL đã triển khai áp dụng theo phương pháp này. Những hạt giống ban đầu, được người dân cung cấp từ những cây có tuổi đời lâu năm trên địa bàn.
“Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay đã trồng được gần 700 cây tại khuôn viên Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng, tại các trường học và vườn cây của các hộ dân. Cây trồng đều khoẻ mạnh, phát triển tốt và đồng đều”, ông Phú chia sẻ.
Người dân tích cực nhân giống
Không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn, hiện việc nhân giống cây hoàng đàn tuyết Lạng Sơn đang đem lại nguồn phát triển kinh tế mới cho người dân ở xã Hữu Liên.
Theo ông Hoàng Trọng Xạ (67 tuổi, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) người hiện đang sở hữu cây hoàng đàn lớn bậc nhất ở xã Hữu Liên chia sẻ, cây hoàng đàn được ông lấy ở trên núi về trồng từ khoảng năm 1995, lúc đó chiều cao cây khoảng chừng 30 - 40cm.
Hơn 700 cây được trồng tại khuôn viên BQL rừng đặc dụng Hữu Liên. |
Về kinh nghiệm ươm cây, ông Xạ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi đã thử hái trực tiếp quả từ trên cây để lấy hạt ươm nhưng không thành công. Sau này, tôi để quả tự rụng xuống và nảy mầm rồi mới đem ra ươm vào bầu”.
Theo kinh nghiệm của ông Xạ, để thu được hạt giống cây hoàng đàn phải mất 2 năm từ khi ra hoa đến khi quả già và hạt rụng xuống và nảy mầm thành cây non.
“Từ thời điểm tháng chạp hằng năm là gia đình tôi bắt đầu làm cỏ xung quanh gốc cây hoàng đàn mẹ, sau đó vun luống và tưới nước đều đặn mỗi ngày, đến khoảng tháng giêng là cây con bắt đầu mọc lên. Những cây con này được đánh lên và ươm cẩn thận trong bầu”.
Theo ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Lạng Sơn, cây hoàng đàn Hữu Liên là loài cây đặc hữu, ngoài tự nhiên chỉ còn 27 cá thể đã được đánh dấu, định vị để quản lý và theo dõi. |
Ông Xạ cho biết thêm, việc ươm giống bằng cách tự nhiên thế này thì không thể ước lượng được số cây giống hàng năm thu được là bao nhiêu, có năm được khoảng 2.000 cây nhưng có năm cũng chỉ được vài chục cây. Hiện cây non mới ra 2 lá mầm được gia đình ông rao bán 50.000 đồng/cây, còn cây có kích thước khoảng 25cm thì đang có mức giá là 500.000 đồng/cây.
Những nỗ lực nhân giống nhằm hồi sinh cây hoàng đàn Hữu Liên không những đem lại nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương mà góp phần bảo tồn nguồn gen của loài cây quý hiếm trước bờ vực tuyệt chủng.
Ông Phạm Văn Cấp, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hữu Liên cho hay: BQL sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân giống cây con. Khi cây đủ cứng cáp sẽ giao cho các hộ dân ở khu vực chân núi hoặc có môi trường lập địa giống với môi trường trên rừng để từng bước đưa giống cây này trở lại với rừng tự nhiên. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân triển khai trồng nhân rộng, gắn việc bảo tồn, phát triển với việc hướng đến các giá trị gia tăng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân…