Kêu gọi thanh niên hành động để giảm thiểu rác thải đại dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 28/2, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) tổ chức Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”.
Ảnh minh họa: onegreenplanet.or
Ảnh minh họa: onegreenplanet.or

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, các sản phẩm từ nilon, nhựa ra đời mang lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, những đặc điểm và đặc tính khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe con người và các loài động, thực vật trên Trái Đất.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT)

Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT)

Để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng các Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”.

"Diễn đàn được tổ chức nhằm kêu gọi những hành động thiết thực thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần bao gồm cả túi nilon ngay hôm nay và ngay bây giờ”, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài Nguyên và Môi trường nói.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Cao Hoàng Anh, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), cho biết, theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

“Đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương”, ông Cao Hoàng Anh cho biết.

Cuối chương trình, các đại biểu ký cam kết chống rác thải nhựa.

Cuối chương trình, các đại biểu ký cam kết chống rác thải nhựa.

Đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, trong bối cảnh tình hình ô nhiễm nhựa càng ngày càng nhức nhối, các chương trình bảo vệ môi trường do đoàn thanh niên tổ chức đã đóng góp một phần quan trọng vào việc chống lại thảm họa này. Đặc biệt, qua những hành động thiết thực, đoàn viên, thanh niên đã trở thành lực lượng tiên phong, là những tấm gương mẫu mực, kêu gọi cộng đồng tham gia vào cuộc chiến chống rác thải nhựa, nhằm xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại.

Đọc thêm