Nhân dịp Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa và Tuần lễ văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi năm 2013, hôm nay, Bộ Ngoại giao phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Khía cạnh lịch sử và pháp lý”.
Tham dự hội thảo có sự tham gia của 50 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Philipphin, Hàn Quốc,…; các nhà nghiên cứu, luật gia trong nước và đại diện một số Bộ, ban, ngành và địa phương trong nước.
Hội thảo khẳng định “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa- Khía cạnh lịch sử và pháp lý”. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết, hội thảo lần này được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi, một tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung, là địa phương có nhiều di tích lịch sử, hiện có rất nhiều ngư dân đánh cá trên biển Đông, nhất là tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
Hội thảo lần này còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn khi được tổ chức cùng thời gian với lễ hội văn hóa dân gian rất đặc thù của Quảng Ngãi, đó là lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng lệnh triều đình (Nhà nước phong kiến Việt Nam) ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Đây là một lễ hội truyền thống, là hoạt động tâm linh được lưu truyền từ hàng trăm năm nay và được tổ chức vào giữa tháng Hai hoặc giữa tháng Ba âm lịch hàng năm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề như: Quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; những bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định Nhà nước Việt Nam từ lâu đời đã thực hiện chủ quyền liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế; phương thức giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vấn đề liên quan ở biển Đông hiện nay.
Theo cố vấn các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế Nhóm phân tích Nam Á Subhash Kapila (Ấn Độ) cho rằng, tranh chấp trên biển Đông không còn là giữa Trung Quốc và các nước Asean láng giềng, mà ngược lại với ý muốn của Trung Quốc, tranh chấp này diễn biến mang tầm quốc tế, không phải là vấn đề chủ quyền của các bên yêu sách, mà là khái niệm “bảo vệ những vấn đề chung toàn cầu” hay “tự do đi lại trên biển” hay “việc sử dụng không hạn chế các tuyến hàng hải”.
Cố vấn Subhash Kapila cho biết, tranh chấp biển Đông dường như đang tạo ra một thời kỳ chiến tranh lạnh trên thế giới, lần này ở châu Á Thái Bình Dương, do chính sách hiếu chiến của Trung Quốc.
GS.TS Tạ Văn Tài đã nêu ra 3 vấn đề chính khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo TS. Tạ Văn Tài, Việt Nam dùng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi biển đảo của mình, tức là dùng khí giới của kẻ yếu chống kẻ mạnh, nhưng là khí giới đầy chính nghĩa, đúng như Lê Lợi tuyên bố trong Bình Ngô Đại Cáo “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”. Nhưng ngoài ra, Việt Nam có thể kèm theo các biện pháp chuẩn bị quân sự để chiến đấu nếu cần, hay ít ra để làm gián chỉ hoặc làm chùn lại âm mưu gây hấn.
Thiên Thanh