Hoạt động công vụ: Khó khăn khi thực hiện “7 giảm, 1 tăng”

(PLVN) - Theo ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong điều kiện “7 giảm và 1 tăng”, đó là giảm tổ chức bộ máy, giảm biên chế, giảm kinh phí… nhưng phải tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu do thể chế chậm được sửa đổi, bổ sung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 27/6, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc và kiểm tra hoạt động công vụ tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làm việc với Tổ công tác có Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tại buổi kiểm tra, thời gian qua, UBND tỉnh  đã tập trung quán triệt, chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của Trung ương. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Về biên chế công chức, năm 2019, Trung ương đã phân bổ cho tỉnh 2.130 biên chế công chức, giảm 46 biên chế công chức so với năm 2018. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bàn giao 58 biên chế công chức từ Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương về Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương theo quy định của Trung ương.

Về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, trên cơ sở các Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã tổng hợp, thẩm định, xây dựng Đề án chung của toàn tỉnh, báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh với 322 vị trí việc làm. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cho Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp. 

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Về sắp xếp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, tỉnh đã thành lập mới 02 đơn vị và thực hiện việc sáp nhập, giải thể 57 cơ quan.  Sau khi sáp nhập các đơn vị, số lượng lãnh đạo quản lý giảm 53 chức lãnh đạo (cấp trưởng: 50 chức danh; cấp phó: 3 chức danh). Số lượng cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn tháng 6/2012 đến ngày 31/12/2018 là 1.189 trường hợp; trong đó: cấp tỉnh: 669 trường hợp; cấp huyện: 520 trường hợp.  Số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh thực hiện đúng quy định (bằng hoặc ít hơn số lượng cấp phó tối đa theo quy định).

Phát biểu tại buổi kiểm tra, thành viên Tổ công tác cho rằng, Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đánh giá toàn diện các vấn đề theo yêu cầu, cơ bản số liệu đầy đủ. Tuy nhiên, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân cần được cụ thể, rõ ràng hơn và có đề xuất các giải pháp để khắc phục. 

Theo ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên -Huế, trong điều kiện “7 giảm và 1 tăng”, đó là giảm tổ chức bộ máy, giảm biên chế, giảm kinh phí… nhưng phải tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu do thể chế chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số đơn vị khó phân biệt là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập. 

“Đối với tinh giản biên chế theo chỉ tiêu 10%, nếu không tinh giản khối sự nghiệp y tế và giáo dục thì khó đảm bảo chỉ tiêu. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bố trí đầy đủ nhân sự đối với khối sự nghiệp giáo dục và y tế, như vậy, không những khó tinh giản mà còn có thể tăng biên chế. Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cũng có nhiều văn bản không phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời”- Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã nêu ra một số hạn chế của tỉnh Thừa Thiên-Huế, đề nghị địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ để phấn đấu hết năm 2019 phải thanh tra, kiểm tra 100% các đơn vị; khắc phục những hạn chế theo các kết luận của các cơ quan Trung ương; chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho Đại hội Đảng sắp tới.

 Sở Nội vụ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo rà soát biên chế, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, tinh giản biên chế theo quy định. Trong thời gian tới, UBND tỉnh đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế viên chức. Duy trì công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất để giải quyết tốt khiếu nại, kiến nghị của của công dân góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

  Giảm hơn 1.500 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp công lập

Số lượng người làm việc năm 2019 trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Thừa Thiên- Huế là 26.871 người, giảm so với năm 2018 là 1.085 người. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 1.544 người so với năm 2015 (đạt 5,4%).

Về việc tinh giản biên chế theo Quyết định số 1866/QĐ-UBND, trong đó xác định chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước từng năm, bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Theo đó, đến năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế phải giảm 224 chỉ tiêu biên chế công chức so với năm 2015, giảm 2.841 người làm việc (viên chức) so với năm 2015 và giảm 86 chỉ tiêu Hợp đồng 68 so với năm 2017.

Đọc thêm