Hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Hải quan: Những bước phát triển đáng ghi nhận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Hải quan vừa qua được duy trì đẩy mạnh nhằm áp dụng công nghệ tiên tiến, các chuẩn mực của hải quan thế giới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi của Hải quan Việt Nam.
Hội đồng Khoa học Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ IX. (Ảnh H. Nụ)
Hội đồng Khoa học Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ IX. (Ảnh H. Nụ)

Những bước phát triển đáng ghi nhận

Tổng cục Hải quan mới đây tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng khoa học (HĐKH) Tổng cục Hải quan, nhiệm kỳ VIII (2021 - 2023) và phương hướng hoạt động của HĐKH Tổng cục Hải quan, nhiệm kỳ IX (2023 - 2025).

Báo cáo tổng kết cho biết, trong 3 năm qua, HĐKH Tổng cục Hải quan đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác quản lý của hải quan; kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

HĐKH Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ VIII đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học (NCKH) của Tổng cục Hải quan cũng như tham gia góp ý đối với các đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) cấp Tổng cục Hải quan, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn của Hải quan Việt Nam.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải quan Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH Tổng cục Hải quan cho biết, khác với những năm trước, từ năm 2022, Thường trực HĐKH Tổng cục Hải quan và Viện Nghiên cứu hải quan đã xây dựng định hướng nghiên cứu cho giai đoạn 2022 - 2023 và giai đoạn 2024 - 2026 đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của ngành với các dự báo sát với thực tiễn. Việc xây dựng định hướng cho mỗi giai đoạn giúp các đề tài bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển của ngành.

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2023, các thành viên HĐKH đều tích cực tham gia công tác tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ KHCN của ngành. Tính đến tháng 5/2023, HĐKH đã tổ chức nghiệm thu cấp Tổng cục Hải quan 26 đề tài năm 2021 và 2022. Trong đó, có 6 đề tài xếp loại xuất sắc; 17 đề tài xếp loại giỏi và 3 đề tài xếp loại khá. Các đề tài, đề án được nghiệm thu đều bám sát nội dung đặt hàng và thuyết minh nghiên cứu. Nhiều đề tài đã phân tích, làm rõ một số nội dung mới gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành, có tính cập nhật và có giá trị lý luận, thực tiễn cao.

Nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn

Đánh giá về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ VIII, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, Chủ tịch HĐKH Tổng cục Hải quan cho rằng, trong thời gian hoạt động, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, HĐKH Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ VIII đã duy trì nhiều hoạt động với mục tiêu đẩy mạnh KHCN, áp dụng những luận cứ khoa học, công nghệ tiên tiến, các chuẩn mực của hải quan thế giới với các hoạt động của ngành Hải quan, nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi của Hải quan Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong việc triển khai thực hiện mô hình Hải quan số, hướng tới mô hình Hải quan thông minh.

Ngoài ra, hoạt động của HĐKH Tổng cục Hải quan đã cơ bản thực hiện theo kế hoạch đề ra; nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược của cơ quan Hải quan ngày càng được nâng lên. Hoạt động NCKH ngày càng được các đơn vị, cá nhân, nhất là các cấp lãnh đạo coi trọng, xem đây là nhiệm vụ chính trị, là cơ sở quan trọng phục vụ công tác tham mưu chiến lược.

Đặc biệt, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, công tác thẩm định, đánh giá các đề tài, đề án tiếp tục được đổi mới, từng bước được nâng cao; việc kiểm tra quá trình triển khai thực hiện các đề tài, đề án tiếp tục được quan tâm và đôn đốc thường xuyên. Việc định hướng và tổ chức đăng ký nhiệm vụ khoa học có kết quả thiết thực, thu hút được lực lượng nghiên cứu lớn. Các hoạt động khoa học trở thành “chìa khóa” giúp cho công tác tham mưu chiến lược mang tính căn cơ, có cơ sở khoa học và thực tiễn, hội tụ được trí tuệ, tâm huyết của các cá nhân.

Trong đó, sự phối hợp giữa HĐKH Tổng cục Hải quan với các đơn vị trong và ngoài ngành, nhất là các cục hải quan địa phương đã có sự gắn kết, việc tham gia đóng góp ý kiến của các thành viên HĐKH Tổng cục Hải quan đã tích cực hơn tại các đợt tuyển chọn nhiệm vụ KHCN cũng như tham gia đánh giá nghiệm thu kết quả NCKH.

Nhấn mạnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhiều xu hướng đặt ra những vấn đề lý luận, thực tiễn cần phải giải quyết, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, hoạt động NCKH của ngành Hải quan cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, thường xuyên nắm bắt, cập nhật những thông tin mới, luận giải và giải quyết đúng đắn những vấn đề lý luận, thực tiễn nảy sinh. Do đó, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng đề nghị HĐKH Tổng cục Hải quan cần tiếp tục đổi mới cách thức, quy trình đánh giá và đưa kết quả NCKH vào ứng dụng trong thực tiễn; lấy giá trị ứng dụng là tiêu chí, thước đo cơ bản để đánh giá chất lượng các đề tài, đề án NCKH. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, tổng kết thực tiễn phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động quản lý nhà nước của Hải quan.

Nhìn vào kết quả đạt được, HĐKH Tổng cục Hải quan đã thực sự trở thành đầu mối kết nối, huy động trí tuệ của cán bộ, công chức, viên chức; tạo lập, nhân rộng phong trào hoạt động khoa học trong toàn ngành. Qua đó, đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tư duy khoa học, phương pháp làm việc khoa học. Chất lượng nghiên cứu các đề tài, đề án được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của các cục, vụ và đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan trong công tác xây dựng văn bản và tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục trong công tác chỉ đạo điều hành.

Đọc thêm