Học cách tiêu tiền trong mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những khó khăn trước mắt khiến nhiều gia đình phải “thắt lưng buộc bụng”, học lại cách tiêu dùng thông minh và tiết kiệm.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Ngày 6/6 vừa qua là “ngày hội tháng” của một loạt các sàn thương mại điện tử lớn. Các quảng cáo chạy rầm rộ trên mạng xã hội, các chương trình giảm giá “khủng”, quà tặng… Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng đã lên mạng kêu gọi “mua sắm thông minh” với thông điệp: Không mua vì giảm giá, chỉ mua những gì mình cần!

Chị Nguyễn Lan Anh Thảo, 28 tuổi một giáo viên ngụ tại đường Tô Ngọc Vân, Thủ Đức chia sẻ: “Những mùa lễ hội giảm giá trước đây, tôi thường lướt các trang thương mại điện tử đến 1, 2h sáng vì quá nhiều chương trình hấp dẫn, sản phẩm giảm giá có khi đến 50%. Nhưng năm nay, nhiều bạn bè cũng kêu gọi “mua sắm vừa đủ” vì tình hình bệnh dịch đang diễn ra, kinh tế còn khó khăn và chưa biết phía trước như thế nào. Tôi thấy lời khuyên đó là đúng, hai vợ chồng tôi thu nhập cũng được coi là khá, thế nên trước giờ mình mua sắm không lăn tăn giá cả nhiều, thích gì thì mua nấy.

Nhưng trải qua đợt dịch, công việc của chồng tôi bị ngưng trệ, lương giảm 50%, cả hai vợ chồng bắt đầu lo lắng cho tương lai, còn phải dành dụm để sinh con sau này, bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm những chi dùng không cần thiết. Cũng coi như mình học một thói quen tốt nhờ những ngày tháng khó khăn này”.

Cũng theo chị Anh Thảo, kinh nghiệm những lần mua sắm giảm giá trước đó cho thấy, đa phần bị thôi thúc bởi những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhưng có rất nhiều sản phẩm mua về rồi bỏ xó, vừa tốn tiền lại lãng phí.

Trên nhiều nhóm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc gia đình thời điểm này cũng có những lời khuyên thực hành tiết kiệm. Theo chị Amy Phan, một hot Facebooker sống ở TP HCM, thực hành tiết kiệm nên từ những gì thiết thực nhất.

“Ngay từ trước giãn cách, nhiều người đổ xô đi siêu thị trữ đồ, tôi đã nêu quan điểm là không nên trữ. Từ kinh nghiệm những lần trước, luôn luôn đủ thực phẩm cho tất cả mọi người. Trữ thực phẩm vừa gây tâm lý hoang mang, vừa gây lãng phí vì nhiều thực phẩm sẽ hết hạn, mất ngon, không sử dụng được sau một thời gian. Tôi cũng thường xuyên kiểm tra kỹ tủ lạnh mỗi lần “hứng chí” muốn mua sắm thêm thức ăn. Cách làm này giúp tôi cẩn trọng hơn khi mua sắm thực phẩm, đồ trong tủ lạnh ít bị hư hỏng, bỏ phí hơn”.

Nhiều cách thức tiết kiệm hiệu quả cũng được cư dân mạng tích cực chia sẻ. Mùa giãn cách, ít tiếp xúc, chuyện mua sắm quần áo mới hầu như không quá cần thiết. Cạnh đó, các trang sức, đồ trang điểm cũng nên cắt giảm lại.

Cũng nhân cơ hội mùa dịch, nhiều phụ huynh đã dạy con cách sống tiết kiệm bằng việc hạn chế những đòi hỏi liên quan đến mua sắm đồ chơi, xa xỉ phẩm không cần thiết, giúp con hiểu được tình hình khó khăn do dịch bệnh và tầm quan trọng của việc sống tiết kiệm.

Điều đáng quý là trong giai đoạn này, nhiều gia đình thực hành tiết kiệm cùng với việc “tiêu tiền ý nghĩa”. Cắt giảm chi tiêu trong nhà, nhưng số tiền tiết kiệm dùng cho những việc có ích cho cộng đồng. Không ít gia đình đã dùng tiền “bỏ ống” để ủng hộ khẩu trang, đồ bảo hộ cho các bệnh viện quận đang trong tình trạng thiếu thốn. Tiêu dùng tiết kiệm, nhưng vẫn sẵn sàng chi tiền để mua ủng hộ vải thiều Bắc Giang, khoai lang tím miền Tây, hỗ trợ người nông dân…

Có không ít gia đình, thời điểm này bị tạm ngưng công việc đã giành thời gian rảnh rỗi để nấu ăn phục vụ cho người nghèo, người dân trong khu cách ly, phục vụ miễn phí cho các bệnh viện…

Đọc thêm