Học không bao giờ là muộn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Học tập là một chặng đường nhiều chông gai, vất vả, không phải khi nào cũng trải đầy hoa hồng. Sẽ có lúc, người học tưởng như phải đầu hàng trước thử thách, số phận. Tuy nhiên, không bao giờ là muộn, nếu bạn còn đủ đam mê, nhiệt huyết thì cánh cửa tri thức vẫn luôn giang tay đón nhận.

Dưới đây là câu chuyện được được chia sẻ từ Lô Thị Nga - tân thủ khoa Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Nguyễn Xuân Bách thủ khoa năm 2022 của Đại học Xây dựng Hà Nội. Cả hai em đã từng có lúc gặp khó khăn, trắc trở, tưởng chừng phải bỏ dở con đường học hành, tuy nhiên, bằng ý chí, sự dũng cảm của bản thân, các em đã trở thành những tân sinh viên xuất sắc, được vinh danh trong chương trình “Nâng bước thủ khoa 2022”.

Vượt qua khó khăn để bắt đầu lại

Nguyễn Xuân Bách (quê ở Thạch Thất, Hà Nội), sinh ra trong một gia đình khó khăn, từ nhỏ em đã chứng kiến bố mẹ, anh trai thường xuyên lo lắng, vất vả cho cuộc sống. Nhưng, một điều không may mắn đã xảy ra với em, đến năm học lớp 4, Bách được chẩn đoán mắc bệnh động kinh. Căn bệnh không chỉ giày vò em cả về tinh thần, thể xác, mà còn khiến gia đình phải lo thêm chi phí để chạy chữa bệnh tật.

Đó là những năm tháng Xuân Bách cảm thấy đầy gian nan, thử thách. Em thường xuyên bị căn bệnh “hành hạ”, có những lúc, cơn động kinh chỉ diễn ra vài giây, có khi đến tận vài phút, khiến em đau đớn, mệt mỏi. Căn bệnh cũng tạo nên những rào chắn vô hình, khiến Xuân Bách không thể tiếp thu kiến thức trên trường thường xuyên như bạn bè. Bản thân Bách chia sẻ: “Em gần như không thể đi học đều giống bạn bè của mình trong suốt một thời gian”. Vì vậy, thành tích của em trên lớp không được tốt.

Đối với một học sinh hổng kiến thức nặng, Nguyễn Xuân Bách đã bắt đầu học từ những kiến thức cơ bản nhất. (ảnh Nguyễn Xuân Bách và cô giáo)

Đối với một học sinh hổng kiến thức nặng, Nguyễn Xuân Bách đã bắt đầu học từ những kiến thức cơ bản nhất. (ảnh Nguyễn Xuân Bách và cô giáo)

Từ xưa đến nay, gia đình Bách không bao giờ đặt áp lực học tập cho em. Tuy nhiên, khi chứng kiến hai người anh trai học giỏi nhưng phải đi theo nghiệp sĩ quan để tiết kiệm tiền bạc cho gia đình, Bách không muốn mình trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Đến năm lớp 12, nhận thấy bệnh tình đã có nhiều chuyển biến tích cực, em bắt đầu quyết tâm học hành lại để thi đỗ đại học, với hy vọng có thể san sẻ khó khăn với bố mẹ và các anh.

Khác với Nguyễn Xuân Bách, Lô Thị Nga (Quỳ Hợp, Nghệ An) được đánh giá là một học sinh chăm chỉ, hiếu học ngay từ khi còn nhỏ. Nga xuất thân trong một gia đình dân tộc người Thái, bố mẹ em đều làm nông, tuy không khá giả, nhưng vẫn cố gắng cho con cái đến trường. Sóng gió ập đến bất ngờ với gia đình em, khi bố Nga được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Kinh tế gia đình đổ dồn lên vai người mẹ đã có tuổi của Nga, gia đình vốn khó khăn, nay lại càng vất vả.

Hiểu được nỗi lòng của bố mẹ, em học tập rất chăm chỉ, thời còn đi học, thường xuyên đạt thành tích tốt trong lớp. Nhưng, tiền bạc gia đình ngày càng hạn hẹp, đồng nghĩa với con đường đến đến trường của Nga phải dừng lại. Năm 2021, em thi đại học đạt số điểm là 26,21, nhưng nhà nghèo, nên em tự nguyện gác lại việc học tập để đi làm.

Lô Thị Nga bắt đầu với rất nhiều công việc khác nhau, em đi làm thêm tại các quán ăn, đi làm công nhân, làm nông phụ giúp gia đình. Số tiền em kiếm được, không những có thể tự lo cho bản thân, mà còn có thể gửi về cho bố mẹ. Tuy nhiên, Nga không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trong thời gian ấy, thậm chí em còn cảm thấy buồn. Khi được hỏi về lý do, Nga có chia sẻ càng đi làm, em lại nhìn thấy nhiều số phận long đong, vất vả và cảm thấy lo lắng về tương lai của mình.

Em cho biết: “Em nhìn cuộc đời làm nông vất vả của bố mẹ. Em rất trân trọng giá trị lao động ấy, nhưng em muốn mình có cuộc sống tốt hơn, tương lai tươi sáng hơn”. Đặc biệt hơn, mỗi khi đi qua những trường đại học, nhìn các bạn sinh viên đang nô nức bước vào giảng đường, trong Nga dâng lên khát khao đến tuyệt vọng được học, được viết, được cầm lấy những cuốn sách.

Đó là một trong những động lực để em bỏ công việc, quay trở về quê và bắt đầu ôn thi. Ban đầu, cha mẹ của Nga phản đối quyết liệt, vì gia đình không có tiền để nuôi em ăn học. Tuy nhiên, em đã thuyết phục bố mẹ bằng nỗ lực của chính bản thân mình. Ban ngày, Nga làm nông kiếm tiền phụ giúp gia đình, chỉ đến tối, em mới bắt đầu giở sách vở ra để ôn tập cho kỳ thi sắp tới. Dần dần, bố mẹ Nga cũng thấy được niềm hạnh phúc nhiều hơn trên khuôn mặt con gái mình, đặc biệt khi em ngồi bên ánh đèn bàn mỗi tối.

Bí quyết học tập đạt thành tích cao trong thời gian ngắn

Do hoàn cảnh, Lô Thị Nga và Nguyễn Xuân Bách chỉ có một khoảng thời gian ngắn để ôn tập trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2022, nhưng đều đạt được thành tích rất cao. Khi được hỏi về bí quyết học tập, Nga và Bách đều có chung đáp án là ôn tập thật tốt kiến thức cơ bản và phát huy sở trường (khả năng) của bản thân.

Vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống, Lô Thị Nga đã đạt được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.

Vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống, Lô Thị Nga đã đạt được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.

Bắt đầu việc học tập nghiêm túc chậm hơn bạn bè, Nguyễn Xuân Bách cho biết, em đã bị hổng kiến thức rất nặng. Đầu năm lớp 12, đến những dạng bài tập cơ bản, em cũng không nắm được. Việc đỗ đại học đối với Bách lúc đó cũng là một ước mơ “xa xỉ” chứ đừng nói đến việc đạt danh hiệu thủ khoa.

Mỗi ngày, khi đến trường, Bách cố gắng nắm thật vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Em thường nghe các thầy, cô giáo giảng bài, đồng thời, nhờ bạn bè trong lớp giúp đỡ mỗi khi không hiểu. Bách chia sẻ, em rất may mắn có được những người bạn thân luôn đồng hành bên cạnh trong giai đoạn khó khăn. Bách chọn thi khối tự nhiên, vì vậy, em chú trọng các môn như Toán, Vật lí, Tiếng Anh,… Em tâm sự: “Ban đầu, việc ôn lại kiến thức cơ bản gặp rất nhiều khó khăn. Những người bạn hỗ trợ em cũng đã phải rất vất vả để em có thể hiểu được các công thức, dạng bài tập”.

Bách chia sẻ, việc có được thành tích tốt, ngoài nắm chắc kiến thức cơ bản, hãy chọn những môn bản thân có khả năng tiếp thu tốt nhất: “Trong năm lớp 12, em chỉ lựa chọn môn học mình có khả năng, yêu thích và học từ cơ bản đến nâng cao”. Chính vì vậy, Bách có thể học trong một thời gian dài mà không thấy chán. Ví dụ như môn Vật lí đòi hỏi em phải nỗ lực rất nhiều, vừa ôn lại kiến thức cơ bản, vừa làm quen với những dạng bài tập mới. Đây là môn học, ngoài giờ ở trên lớp, Bách thường xuyên trao đổi với bạn bè, tìm những sách hay để trau dồi. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2022, Bách đã đạt được 9.5 điểm Vật lí, em cũng cho biết, với bất cứ môn học nào muốn giỏi được, đầu tiên cần sự siêng năng, cần cù.

Bách thường phân bổ thời gian học các môn sao cho đồng đều trong một ngày. Sáng đi học, trưa em về nghỉ ngơi, ăn uống, chiều sẽ chọn môn Toán, Vật lí hoặc Tiếng Anh để học. Tối em cũng sẽ học một đến hai môn nữa, luân phiên nhau như vậy. Bách chia sẻ bí quyết học Tiếng Anh của mình, đó là em thường xuyên vận dụng linh hoạt mọi giác quan: “Em rất thích xem phim hoặc hoạt hình bằng tiếng Anh. Ngoài ra, em cũng xem các chương trình thời sự, nghe nhạc nước ngoài…”.

Lô Thị Nga có thế mạnh hơn Phạm Xuân Bách, khi em có nền tảng kiến thức tương đối tốt. Nhưng sau một năm không đụng đến sách vở, lại thêm việc phải ôn thi trong vài tháng ngắn ngủi khiến Nga gặp nhiều khó khăn. Em chia sẻ bí quyết học tập, đầu tiên, cần phải ôn lại các kiến thức cơ bản nhất. Đồng thời, tìm ra được niềm yêu thích với môn học. Đặc biệt, đối với thí sinh thi lại, vì lúc này, các em sẽ phải học một mình, không có thầy cô và bạn bè ở bên cạnh đồng hành nữa.

Nga gặp khó khăn hơn, khi em không có cả ngày để ôn thi, mà phải phụ giúp cha mẹ kiếm tiền, chỉ có thể học vào buổi tối. Cho nên, Nga phân bổ thời gian hợp lý, mỗi tối học 1 - 2 môn, luân phiên nhau đổi trong tuần. Đối với môn Văn – là môn học yêu thích của Nga, em đầu tư thời gian nâng cao kĩ năng viết những bài nghị luận khó, đọc nhiều sách để có dẫn chứng hay, thú vị. Hơn cả, theo Nga, việc học phải có một động lực mạnh mẽ, rõ ràng mới có thể giúp cho em theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Nga kể lại, sau một năm đi làm, trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, em chắc chắn rằng mình có mong ước được làm giáo viên. Em chia sẻ: “Em rất thích được dạy học, giúp đỡ, truyền thụ kiến thức cho người khác”. Bản thân Nga cũng thường kèm cặp các em nhỏ trong xóm, giúp các em học tập, mỗi khi thấy những “cô cậu học trò nhỏ” của mình hiểu bài khiến Nga vô cùng hạnh phúc, sung sướng.

Kết quả cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Nguyễn Xuân Bách và Lô Thị Nga, đó là hai em đều trở thành tân thủ khoa của các trường đại học tại Hà Nội. Xuân Bách đạt 27,1 tổng điểm ba môn đăng ký xét tuyển vào đại học, em vinh dự là một trong ba thủ khoa đầu vào của trường. Lô Thị Nga đạt được số điểm là 28,5 cho ba môn thi mà em đã chọn để xét đầu vào đại học. Hiện nay, cả hai em đều đang nỗ lực hết mình vì mơ ước được trở thành người giáo viên, kỹ sư,… để cống hiến cho xã hội, đất nước trong tương lai.