Học online vẫn phát sinh bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Môi trường học trên mạng khiến trẻ dễ trở thành “anh hùng bàn phím”, phát ngôn lệch lạc đối với cả thầy, cô giáo lẫn bạn bè cùng lớp.
Một cuộc họp trực tuyến giữa phụ huynh và giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh.
Một cuộc họp trực tuyến giữa phụ huynh và giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh.

“Mẹ ơi, bạn N chửi con là giọng như con vịt, nghe gớm ghiếc mà dám thường xuyên giơ tay phát biểu”, chị Lê Tùng Anh, phụ huynh có con đang học lớp 3 ở Bình Thạnh (TP HCM) kể lại chị giật mình khi nghe con nói. Hỏi rõ con, chị mới biết do con gái mình năng nổ phát biểu khiến nhiều bạn học cùng lớp bực mình, nhất là các bạn ít khi phát biểu, bị cô nhắc nhở nhiều lần và lấy con chị ra làm gương.

Con gái chị Tùng Anh kể nhiều lần bị bạn bè mắng mỏ chỉ vì siêng năng học hành như “cứ làm học sinh gương mẫu thì mai mốt đến trường sẽ chẳng có đứa nào chơi với mày”. Nữ phụ huynh cho biết, chị rất bất ngờ, hoảng hốt vì nghĩ trẻ học online ít tương tác, va chạm hơn, không ngờ vẫn có tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường bằng ngôn ngữ, thông qua mạng xã hội.

Sau đó chị đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, cô giáo đã làm việc với phụ huynh các em học sinh nói trên. Các em giải thích do con gái chị thích “làm nổi” nên cảm thấy không ưa, dẫn đến công kích bạn. Các em đã hứa sẽ không tái phạm.

Nhiều phụ huynh thường nghĩ, học online sẽ ít có cơ hội diễn ra bạo lực học đường nên cũng không chú ý đến diễn biến tâm lý con mình. Thực chất, môi trường học online vẫn có thể phát sinh bạo lực, không phải bằng tay chân mà bằng ngôn ngữ. Lúc này, trẻ nhỏ bắt đầu được thoải mái sử dụng công nghệ để học tập, đi kèm tương tác, kết bạn… sớm hơn dự kiến.

Để con không bị mất kết nối với bạn bè trong lớp, nhiều phụ huynh đã lập cho con những nhóm chat để trò chuyện, chia sẻ, tương tác với bạn bè. Nhưng cũng từ đây, không ít phụ huynh ngỡ ngàng phát hiện ra con mình tưởng đang ngồi say sưa cầm máy học online thì lại đang nói chuyện với bạn qua nhóm chat chung hoặc lập hội, lập nhóm riêng trên mạng để tiếp tục chia nhóm, nói xấu lẫn nhau.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Thảo, chủ nhiệm lớp 4 tại một trường tiểu học ở Gò Vấp (TP HCM) cho biết, trẻ hiện nay rất nhanh nhạy với công nghệ. Có những thứ cha mẹ chưa chắc nắm được thao tác, nhưng trẻ chỉ một thời gian ngắn là đã quen. Nên việc trẻ học online cũng khá trơn tru. Tuy nhiên, cạnh đó cũng không ít hệ luỵ.

Bên cạnh việc dùng ngôn ngữ bạo lực với bạn bè cùng lớp, chia bè kết phái, có học sinh còn tạo những nick giả tấn công cô giáo và bạn bè. Cô Thảo cho biết, cô đã nhận được một tin nhắn nặc danh nội dung “cô day ngu nhuk po” (cô dạy ngu như bò) từ một tài khoản lạ. Cô đoán là một trong những em học sinh trong lớp đã bị cô mắng sáng hôm đó vì không tập trung học hành. Tuy nhiên, do không có bằng chứng và cũng không muốn truy cứu đến cùng nên cô giáo đã im lặng và theo dõi chặt chẽ hơn hành vi của các em trên mạng xã hội.

Thậm chí, với sự nhanh nhạy về công nghệ, nhiều học sinh còn “qua mặt” được những bậc phụ huynh mù mờ về công nghệ. Cô giáo Lan Thảo kể, có lần, học sinh vắng suốt một buổi học online trong khi vẫn ngồi máy và phụ huynh thì tưởng con mình đang học, hóa ra cháu và một số bạn khác trong lớp… tụ tập online chơi game.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trẻ học hỏi, hấp thu cái mới rất nhanh. Nếu không cẩn thận, môi trường học online lại là nơi trẻ tiếp xúc sớm với mạng xã hội, bắt đầu mày mò để làm… “anh hùng bàn phím” mà phụ huynh không hay biết.

Nhiều phụ huynh mong con có tương tác với bạn bè trên lớp cho vui nên tạo những nhóm chat cho con với các bạn. Nhưng nếu thiếu kiểm soát, những nhóm chat ấy lại là nơi để trẻ thoải mái bộc lộ cái tôi của mình, hấp thu cả những điều không tốt từ bạn bè… Trẻ ở lứa tuổi 8-9 tuổi đã bắt đầu biết nói dối, vì thế, cần quan sát hành vi, cử chỉ để nhận ra khi nào con thực sự đang học, khi nào đang mượn chuyện học để online.

Để tránh cho con những nguy cơ sa đà mạng xã hội khi còn quá sớm, chưa trang bị đầy đủ kiến thức cũng như nhận thức, chuyên gia Lê Thị Minh Nga khuyên các bậc cha mẹ nên theo sát con nhiều hơn khi học online, kịp thời để mắt và tìm hiểu những “dấu hiệu” lạ ở trẻ sau một thời gian theo học, thi thoảng bất ngờ kiểm tra việc học cũng như quá trình tương tác với bạn bè của cháu, đồng thời liên hệ giáo viên thường xuyên để nắm việc học của con chặt chẽ, kĩ lưỡng hơn, không tạo điều kiện cho trẻ mượn việc học để dấn sâu vào dùng thiết bị điện tử và mạng xã hội.

Đọc thêm