Học sinh, phụ huynh tiểu học than 'quá tải' vì học trực tuyến

(PLVN) - Để phòng chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành chuyển sang hình thức học online. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên thừa nhận học trực tuyến còn nhiều bất cập.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

“Quá tải” khi con học trực tuyến

Chị Mai Thanh, phụ huynh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết nhà chị có 2 bé đang học lớp 1 và lớp 5. Với bé lớp 5 thì ba mẹ không phải lo vì con đã chủ động, tự giác làm các bài tập cô giao, những phần không hiểu thì nhờ ba mẹ nhắn lại cô để hỏi thêm. 

Nhưng với bé lớp 1 thì việc học rất khó khăn. Do tuổi còn nhỏ, bé chưa thể tập trung, muốn làm hay học gì cũng phải có người lớn bên cạnh hỗ trợ, nên thời gian con học trực tuyến thì hai vợ chồng thay phiên nhau nghỉ phép để học cùng con.

"Theo lịch, cứ 7h30 hằng ngày, cô giao bài. Nhưng bé còn nhỏ, có khi đến 10h mới thức dậy. Có những hôm mà buổi chiều giáo viên kiểm tra bài tập thì trưa đó cả nhà cùng bò ra để học và làm cùng con", chị Thanh cho biết.

Dù vậy, cũng theo chị Thanh, hình thức giáo viên giao bài tập, học sinh làm xong chụp lại và gửi cô tuy vẫn phải có phụ huynh hỗ trợ nhưng khá "dễ thở" cho học sinh và gia đình chủ động.

Anh Quốc Tuấn (có con học lớp 1 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, học trực tuyến cùng con mỗi tối là nỗi ám ảnh của hai vợ chồng. “Tôi thấy không khác gì cưỡi ngựa xem hoa cả. Hôm thì con kêu buồn ngủ, không muốn học. Hôm thì có bạn quên chưa tắt mic thành ra lớp học là một mớ hỗn độn của các thể loại âm thanh, nghe thôi cũng đau đầu chứ nói gì đến học".

Anh Tuấn mong Hà Nội cũng có đánh giá và đưa ra quyết định phù hợp như Hải Phòng để con đỡ áp lực.

Có gia đình thuê gia sư học online cùng con nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Như trường hợp của chị Nguyễn Kiều Trang, có con học lớp 3 Trường tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP HCM). Chị cho biết, lịch học giáo viên đã gửi vào trong group Zalo. Gia sư cùng con ngồi vào bàn đúng giờ nhưng mạng thì lúc mạnh, lúc yếu, lúc chập chờn. 

“Nếu gọi đúng tên, phải nói là "gồng" trước màn hình máy tính chứ không phải học online. Khi hỏi con hiểu bài không thì con nói vừa không hiểu vừa chán. Gia sư phải dạy lại, nếu không, chắc mọi thứ với con là số 0", chị tâm sự.

Giáo viên lo lắng

Học trực tuyến không chỉ là khó khăn với học sinh, phụ huynh mà ngay đến giáo viên cũng cảm thấy lo lắng. Chị Phan Thị Hoàng Oanh, giáo viên tại một trường tiểu học (Quận 10, TP HCM) cho rằng dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học khó hơn rất nhiều so với học sinh các cấp khác bởi ở lứa tuổi này.

Theo chị Oanh phần lớn các em thường ít có ý thức tự giác, phải cầm tay chỉ dạy thì mới ổn. Nếu phụ huynh không kèm cặp, ngồi cạnh, các em khó mà học được.

Còn cô Đ.T.H.T (giáo viên lớp 1 của một trường tiểu học ở Quận 3) nhận định, học online sẽ bị "chênh" về tiếp thu, kéo theo không bắt kịp chương trình. 

"Bản thân các em lớp 1 học ở lớp đã loay hoay, học online ngồi trước máy vi tính sẽ rất khó. Thường ngồi trước máy các em sẽ bị cuốn vào YouTube, hoạt hình, giải trí hơn là học. Có phụ huynh nói với tôi con rất "hăng hái" học nhưng không cho cha mẹ vào phòng để con "tự học", nghĩa là lén cha mẹ... thoát ra để xem hoạt hình. Đó là chưa kể phụ huynh đi làm, không có thời gian dạy con, kèm con", cô nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết học trực tuyến với lớp 1, lớp 2 không bắt buộc, chỉ cần các cơ sở giáo dục duy trì việc học hiệu quả, tránh căng thẳng. Với học sinh lớp 1 thì chỉ có yêu cầu đơn giản là làm sao các con biết đọc, biết viết.

“Khi học sinh quay lại trường, các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ đánh giá lại chất lượng học tập, trên cơ sở đó giáo viên có kế hoạch dạy bù cho học sinh”, ông Tài nói.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hải Phòng quyết định dừng triển khai dạy trực tuyến đối với học sinh khối 1, 2 do không hiệu quả và gây khó khăn cho phụ huynh. Đối với các khối lớp 3, 4, 5 của bậc tiểu học, việc học trực tuyến vẫn triển khai nhưng cũng chỉ ôn tập bài cũ.

Quyết định này của Hải Phòng nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh cũng như chuyên gia trong ngành.

Đọc thêm