Học sinh tiểu học sẽ có thêm hình thức "Thư khen"

(PLVN) - Trao đổi với báo chí, TS Sái Công Hồng - Vụ Phó Vụ Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ 11/10/2020, tất cả các môn học ở THCS, THPT đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước. Cùng với đó, ở cấp tiểu học sẽ có thêm hình thức khen thưởng “Thư khen”.
Từ năm học này sẽ có nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh. (Ảnh minh họa).
Từ năm học này sẽ có nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh. (Ảnh minh họa).

Khen thưởng theo lĩnh vực

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT. Thông tư 26 thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực của học trò, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.  

Thông tư 26 bổ sung hình thức khen thưởng mới là khen thưởng theo lĩnh vực thay vì chỉ khen thưởng toàn diện như hiện nay. Cụ thể, ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như hiện hành, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện. 

Thông tư 26 cũng quy định cụ thể hơn về đánh giá học sinh khuyết tật, bổ sung nội dung xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật. Theo đó, việc đánh giá kết quả giáo dục của đối tượng học sinh này được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học.

Thông tư 26 không chỉ yêu cầu đánh giá bằng nhận xét chung chung mà quy định cụ thể: Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập. 

 Theo Thông tư 26, lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết được cho phép thực hiện trên máy tính. TS Sái Công Hồng cho rằng, điều này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng.

Việc ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá hợp lý sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học. Tuy nhiên, theo ông Sái Công Hồng, hoạt động này chỉ nên thực hiện ở những trường bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Do đó, việc áp dụng Thông tư này cần linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính.

Điểm không phải để ganh đua, so sánh

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Thông tư được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - CT GDPT 2018), bắt đầu từ lớp 1 cấp Tiểu học. 

Đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi. Những phẩm chất chủ yếu như: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Những năng lực cốt lõi học sinh sẽ được đánh giá, gồm năng lực chung là: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù là: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.

Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học/hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

“Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”, Thông tư quy định.

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT cụ thể hoá việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế, tiêu cực về việc khen thưởng.

Cụ thể, danh hiệu Học sinh Xuất sắc được trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc; danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện sẽ trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Việc khen thưởng đột xuất được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.  Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định Đánh giá học sinh tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới bổ sung hình thức “Thư khen” trong hoạt động khen thưởng học sinh. Điều này, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Hình thức viết trên giấy khen vào cuối năm học được ghi theo danh hiệu đạt được nên tạo thuận lợi cho giáo viên và khắc phục một số hạn chế hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, TS. Thái Văn Tài cho biết, Bộ GD-ĐT nhận thức sâu sắc về các quy định của Thông tư này giữ vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sẽ tác động nhất định tới đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Do đó, quá trình soạn thảo Thông tư được Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy trình, quy định, đảm bảo tính khoa học và khả thi. 

Bộ GD-ĐT đã nhiều lần khảo sát tại các địa phương để lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Bộ GD-ĐT trực tiếp phối hợp với các tổ chức, cá nhân các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, tổng chủ biên, các chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhóm nghiên cứu các đề tài khoa học có liên quan, để tổ chức nhiều hội thảo chuyên sâu, diện rộng nhằm xin ý kiến về từng nội dung liên quan đến quy định đánh giá học sinh tiểu học. 

Bỏ kiểm tra một tiết

Theo quy định cũ, việc đánh giá bằng nhận xét chỉ thực hiện ở môn giáo dục công dân (có kết hợp với đánh giá bằng điểm số), tất cả các môn còn lại đánh giá bằng cho điểm. Ở Thông tư 26, hình thức đánh giá bằng nhận xét sẽ được thực hiện ở tất cả các môn, bên cạnh hình thức điểm số. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10.

Bên cạnh việc bổ sung hình thức đánh giá bằng nhận xét cho các môn, quy định mới cũng bỏ bớt điểm kiểm tra một tiết trong hình thức đánh giá bằng điểm số. Học sinh sẽ có các đầu điểm đánh giá thường xuyên, điểm đánh định kỳ (gồm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ).

Trong đó, điểm đánh giá thường xuyên nhân hệ số một, điểm đánh giá giữa kỳ hệ số hai và điểm cuối kỳ hệ số ba. Điểm tổng kết năm học của học sinh là điểm trung bình của các đầu điểm nhân hệ số tương ứng.

Chia sẻ về các điểm mới của Thông tư 26, ông Hồng nhấn mạnh việc đề kiểm tra cho các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ được xây dựng dựa trên “ma trận”, đặc tả theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học/hoạt động giáo dục. Theo quy định mới, việc kiểm tra, đánh giá học sinh không chỉ thực hiện trên giấy mà đa dạng hóa dưới nhiều phương thức.

Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.

Kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể qua bài kiểm tra (thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút); bài thực hành; dự án học tập.

Đọc thêm